Nam Sài Gòn - 20 năm đổi thay (Kỳ 3)

Ngày kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty TNHH LD Phú Mỹ Hưng, ông Lawrence S.Ting phát biểu: “Trên vùng đất chua mặn mà từ xưa đến nay chưa được khai phá, có một tốp người đã bỏ tâm lực suốt 15 năm để tạo dựng nên khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng ngày hôm nay. Và trên cơ sở nhiều dự án đã hình thành quy mô của ngày hôm nay, vẫn có nhiều người khác đang tiếp tục cố gắng cho một phương hướng lớn hơn là phát triển TP.HCM hướng ra biển Đông”.

Kỳ 3: Chạy vượt rào

Trên tầng bốn tòa nhà Cresent có một dãy hành lang và phòng triển lãm các chặng đường phát triển của các dự án của Tập đoàn CT&D tại Việt Nam, tất cả là các dự án ở Nam Sài Gòn, nơi TP.HCM hướng ra biển Đông. Và với những người đã trực tiếp thực hiện thì mỗi dự án đều là một cuộc chạy vượt rào...

Tạo ra tiền lệ

Bài liên quan: Nam Sài Gòn - 20 năm đổi thay (Kỳ 3)

Ông Phan Chánh Dưỡng đề nghị chọn Tân Thuận Đông, Nhà Bè để đặt khu chế xuất với những lý lẽ chặt chẽ: gần cảng Sài Gòn thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, gần trung tâm thành phố thuận lợi cho công việc, sinh hoạt của nhà đầu tư, gần những vùng có thể cung ứng nguồn lao động dồi dào như quận 4, Nhà Bè... Nhưng cản ngại của thực tế lại cũng khắc nghiệt không kém: nơi đây chỉ là một vùng đầm lầy đầy dừa nước, mùa mưa nước ngập mênh mông, không có đất nền, không có chân móng. Nhiều ý kiến bàn ra, nhiều ý kiến đề xuất một vị trí khác, nhiều nhà đầu tư được mời đến và lắc đầu khi nhìn bãi lầy mênh mông, xem bản đồ địa hình với địa tầng ngập nước. Cuối cùng, thành phố quyết định tiến hành khởi công khu chế xuất tại Cát Lái. Nhưng ông Dưỡng vẫn khẳng định luận điểm của mình: “Địa hình có thể thay đổi được, đất thấp có thể tôn cao được, vị trí thì vĩnh viễn không thay được”. Ông tin vào tiềm năng phát triển của Nhà Bè.

Nam Sài Gòn - 20 năm đổi thay (Kỳ 3) - 1

Đại lộ Nguyễn Văn Linh

Sau khi thuyết phục được nhà đầu tư là ông Lawrence S.Ting, hai ông lại phải làm một việc ngược lại là tiếp tục thuyết phục lãnh đạo thành phố, trung ương. Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, chủ tịch UBND TP.HCM bấy giờ, đã dẫn đầu đoàn sang Đài Loan thị sát Khu công nghiệp Cao Hùng; ông Võ Trần Chí, bí thư thành ủy, bỏ ra nhiều ngày tự nghiên cứu, suy nghĩ và quyết định ủng hộ... Cuối cùng Khu chế xuất Tân Thuận cũng được phép khởi công, nhưng rồi lại gặp nhiều rào cản nữa của cơ chế, chính sách chồng chéo. Đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thị sát, chỉ đạo cho phép ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận được phép áp dụng cơ chế “một cửa, tại chỗ”, cho phép phân cấp cho ban quản lý cấp phép đầu tư với con dấu có hình quốc huy. Quyết định táo bạo này đã mở cửa cho Khu chế xuất Tân Thuận phát triển nhanh, mạnh, và mô hình sau đó được nhân rộng ra cả nước.

Hơn ba triệu khối cát đã được bơm lên từ lòng sông Soài Rạp để làm nền móng cho các nhà máy, xí nghiệp. Khởi động sau nhưng chỉ với hai năm, Khu chế xuất Tân Thuận đã được ghi vào lịch sử kinh tế: khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam được vận hành thành công và sau đó, được bình chọn là khu chế xuất tốt nhất đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hàng trăm ngàn việc làm đã được tạo ra.

Nam Sài Gòn - 20 năm đổi thay (Kỳ 3) - 2

Một góc Khu chế xuất Tân Thuận - Ảnh tư liệu

Vượt lên thói quen

Có Khu chế xuất Tân Thuận rồi nhưng đường đi vẫn chỉ là độc đạo. Nhìn về đầm lầy mênh mông, ông Lawrence S.Ting đề xuất một ý tưởng táo bạo: phóng một con đường thẳng cắt qua Nhà Bè, Bình Chánh, nối với quốc lộ 1A. Khảo sát cho thấy con đường chỉ 17,8km nhưng sẽ phải nằm hoàn toàn trên đầm lầy, lại phải cắt qua đến 10 con rạch, sông. Lại ồn ào nhiều luồng ý kiến: đường sẽ lún liên tục, trả lời: đã tính toán sẽ phải bù lún 1,49m trong 30 năm; đường sẽ thành con đê gây ngập toàn bộ thành phố, trả lời: sẽ xây đủ 10 cây cầu, giữ lại toàn bộ các dòng chảy, giữ các ao hồ tạo cảnh quan và đảm bảo thoát nước; đường chỉ cần làm bốn làn xe vì lưu lượng giao thông thấp, dân cư thưa thớt, trả lời: chúng ta đang tính toán về con đường huyết mạch cho đô thị Nam Sài Gòn tương lai, phải là 10 làn xe... Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí lại một lần nữa tổ chức họp với các giám đốc sở và ông đứng về phía nhà đầu tư để trình bày.

Con đường đã được duyệt với quy mô 17,8km, lộ giới 120m, 10 làn xe, tổng vốn hơn 100 triệu USD. Hơn 10 năm xây dựng, ba giai đoạn khởi công, “đại lộ Nguyễn Văn Linh đã giải tỏa được tình trạng tắc nghẽn giao thông giữa TP.HCM và miền Tây, làm sống lại cả một khu vực rộng 2.600 ha” như lời nhận xét của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân tại buổi khánh thành. Đại lộ Nguyễn Văn Linh hôm nay là con đường hiếm hoi có thể khiến cho các tài xế mỉm cười khi đi qua, thực tế cuộc sống luôn là câu trả lời thuyết phục nhất.

Đến lượt khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, dự án táo bạo thứ ba nhưng những e ngại vẫn chưa dứt. Khu dân cư cao cấp liệu có phù hợp khi thu nhập người Việt Nam còn thấp, các nhà cao tầng liệu có đứng vững trên nền đất yếu, tham vọng đạt 500.000 - 1 triệu cư dân biết bao giờ mới khả thi...? Đồ án thiết kế được chọn đã vẽ nên một “thành phố của những hòn đảo với các khu dân cư có kích thước nằm trong bán kính đi bộ, tách với nhau bằng những con kênh”. Không gian xanh mướt, thoáng đãng không chỉ bởi cây xanh mà còn bởi kênh rạch, ao hồ, bờ sông, rất miền Tây, rất Việt Nam. Ông Ting trả lời e ngại cuối cùng bằng cách cho xây dựng tòa nhà ban quản lý đầu tiên, cao sáu tầng giữa đầm lầy để chứng minh với các nhà đầu tư về công nghệ làm nền móng trên đất yếu. Các cao ốc mấy mươi tầng đã lần lượt mọc lên.

Sau những giải thưởng quốc tế về thiết kế đô thị, khi đã thành hình, hoàn thiện, khu đô thị Phú Mỹ Hưng được Hội Kiến trúc sư Việt Nam tôn vinh: công trình kiến trúc tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới, Bộ Xây dựng công nhận: khu đô thị kiểu mẫu.

Nhà máy điện Hiệp Phước là dự án được lên kế hoạch sau cùng vì nhiệm vụ cung cấp điện chính là nhiệm vụ của chính quyền địa phương, là quyền lợi mà nhà đầu tư được bảo đảm. Vào những năm 1990 ấy, TP.HCM không thể cung cấp đủ điện cho nhu cầu mỗi lúc mỗi phát triển, thống kê cho thấy toàn thành phố cúp điện tới hơn 500 lần/năm, Nhà Bè lại hoàn toàn không nằm trong danh sách khu vực được ưu tiên về điện. Chắc chắn việc này sẽ liên quan thiết thân đến quyết định của các nhà đầu tư vào khu chế xuất, khu đô thị mới, ông Lawrence S.Ting một lần nữa quyết định táo bạo: đầu tư nhà máy điện thay vì đòi hỏi thành phố phải đáp ứng. UBND TP.HCM phê duyệt, tin tưởng, hi vọng xen lẫn với e ngại, lo lắng. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, năm 1997 Nhà máy điện Hiệp Phước đã vận hành tổ máy phát điện đầu tiên, và đến tháng 3-2002 khi cả ba tổ máy cùng hoạt động, lượng điện phát ra đã chiếm 45% lượng điện tiêu thụ của toàn TP.HCM lúc bấy giờ.

Không quá lời khi nói đến khu đô thị mới Nam Sài Gòn, người ta không chỉ được gặp những hình ảnh mới mà còn được tiếp cận những tư duy mới, cách làm mới, sáng tạo, mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả.

Nhưng tất nhiên, vẫn phải có những cái giá của sự phát triển.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Vũ (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN