Mỹ: Mời thầy trừ tà để cai nghiện game Việt

Sự kiện: Flappy Bird

Rất nhiều người trên thế giới đang cố gắng giải mã và chống lại "sức hút điên cuồng" của trò chơi Flappy Bird do lập trình viên người Việt tạo ra.

Trong thời gian qua, trò chơi “Flappy Bird” của lập trình viên Nguyễn Hà Đông đang thực sự gây bão trong cộng đồng chơi game trên khắp toàn cầu, từ Anh, Mỹ cho tới Trung Quốc. Trò chơi đơn giản tưởng chừng như không thể đơn giản hơn này đã mang lại doanh thu 50.000 USD mỗi ngày cho Đông, và nó cũng thu hút sự chú ý của rất nhiều tờ báo lớn trên khắp thế giới như CNN, Forbes, Time và nhiều diễn đàn công nghệ khác.

CNN đăng bài viết tìm cách giải mã “sức hút điên cuồng” của trò chơi Flappy Bird, khi nhấn mạnh đây là trò chơi miễn phí được tải xuống nhiều nhất từ kho ứng dụng của iPhone và thiết bị Android trong tuần qua.

CNN cho rằng sự trỗi dậy kỳ diệu của trò chơi này vẫn còn là một điều bí ẩn, tuy nhiên tính gây nghiện và độ khó khủng khiếp của nó đã khiến nhiều người gần như phát điên và tìm cách trút giận trên vô số diễn đàn mạng bằng những lời bình luận đầy kích động.

Cách chơi của trò Flappy Bird cũng vô cùng đơn giản, người chơi chỉ việc điều khiển một chú chim đồ họa 8 bit màu vàng không có đuôi với đôi mắt to thô lố vượt qua vô số chướng ngại vật là các ống nước.

Mỹ: Mời thầy trừ tà để cai nghiện game Việt - 1

Đồ họa vô cùng đơn giản của trò chơi Flappy Bird

Người chơi chỉ có một mục tiêu duy nhất là chạm vào màn hình để cho chú chim Flappy bay và vượt qua những khe hở giữa các ống nước này. Mỗi lần Flappy vượt qua được khe hở, người chơi sẽ ghi được 1 điểm, tuy nhiên chỉ cần chạm vào ống nước là chú chim này sẽ “lăn quay ra chết”.

Đơn giản là vậy, nhưng tại sao trò chơi này lại tạo ra sức hút khủng khiếp với người chơi đến vậy. CNN cho rằng sự điên tiết về độ khó của trò chơi này chính là lực hấp dẫn khiến người chơi không thể rời mắt khỏi màn hình để có thể kiếm được ít nhất 1 điểm khi bắt đầu chơi, và rồi trong men say chiến thắng, họ tiếp tục đắm mình vào trò chơi đó.

Vòng quay bấm, bấm và chết lặp đi lặp lại trong khi nỗi tức giận của bạn tăng dần lên, và khi bạn nhận ra rằng mình đã chơi suốt một giờ liên tục, số điểm mà bạn ghi được cũng chỉ là 3. Bạn là một người thông minh, thành đạt trong học hành và sự nghiệp, thế mà bạn không thể nào ngừng việc điều khiển con chim vượt qua mê trận ảo trên thiết bị di động với hy vọng sẽ ghi được số điểm cao hơn.

Hậu quả của việc nghiện trò chơi “Flappy Bird” quá đà là nhiều người bị đau ngón tay, hồi hộp, mặc cảm tội lỗi, tức giận và thậm chí là cả mặc cảm về ý nghĩa của sự sống.

Chuyên gia Nick Statt thuộc website công nghệ CNET bình luận: “Không có gì thuyết phục và hữu hình hơn trò Flappy Bird khi cho ta thấy rằng kỷ nguyên smartphone đã đẩy con người tới bờ vực của sự điên rồ với những hành vi ám ảnh và khát khao thành công trong một thứ gì đó mơ hồ và vô nghĩa. Flappy Bird là hiện thân cho trạng thái chìm sâu vào sự điên rồ của chúng ta.”

Trên tờ Forbes, tác giả Paul Tassi đặt câu hỏi: “Trò chơi này thể hiện điều gì về xã hội tổng thể? Có phải chúng ta đã đạt tới một mức độ buồn chán đến mức nguy hiểm nếu chúng ta cứ tiếp tục bỏ thời gian vào thứ gì đó vô vị như vậy?”

Hồi tháng trước, lập trình viên Nguyễn Hà Đông đã có một cuộc trả lời phỏng vấn Chocolate Lap Apps, và anh cho rằng các trò chơi trên di động của phương Tây hiện nay quá phức tạp đến mức không cần thiết, và anh muốn tạo ra thứ gì đó thật đơn giản.

Mặc dù các điện thoại thông minh ngày nay đã mang lại cho trò chơi di động thế giới đồ họa đầy phong phú và những ứng đụng đầy phức tạp, song chính những trò chơi đơn giản mới là những kẻ thống trị trong lịch sử điện thoại di động. Đó là những trò chơi như “Bejeweled”, “Candy Crush” hay thậm chí là trò “Paper Toss” trên iPhone.

Đông cho biết anh tạo ra trò chơi này trong 2 hoặc 3 ngày và anh không hề tác động gì để nó bất ngờ vượt lên đứng đầu trong các danh sách ứng dụng miễn phí được người dùng tải về nhiều nhất. Hiện Flappy Bird đang nhận được đánh giá 4 sao từ hơn 543.000 người trong kho ứng dụng Apple App Store và 228.000 người trên Android.

Phóng viên Adam Najberg viết trên tờ Wall Street Journal: “Thật bực mình là trò Flappy Bird không hề có những cấp độ khó hơn như các trò chơi khác, thế nhưng bạn sẽ không bao giờ là người thắng cuộc mà chỉ có thua. Và bạn rất dễ thua khi chơi trò này, nhiều khi chỉ trong vòng vài giây.”

Trong những đánh giá này, có rất nhiều người kể lể về sự mất thời gian, phá điện thoại, hôn nhân tan vỡ và cuộc sống bị hủy hoại chỉ vì chơi trò này. Người dùng Android còn kể về những vụ ném điện thoại từ trên cầu xuống, quăng vào cánh quạt trực thăng đang quay hoặc dùng xe tải Mack 18 bánh để nghiền nát điện thoại vì ức chế trong khi chơi Flappy Bird.

Một người dùng iOS có tên là Ahhccwat ở Mỹ đã lên tiếng cảnh báo: “Gia đình tôi đã phải mời thầy trừ tà để tìm cách loại bỏ trò chơi ma quỷ này, thế nhưng con chim đó đã khắc sâu vào trong tâm hồn tôi.”

Một người dùng khác có tên là Bella102349 cho biết: “Ông chủ đã đuổi việc tôi. Con cái không thèm nói chuyện với tôi. Khi chồng tôi nhắn tin, tin nhắn đó làm tôi thua cuộc trong trò chơi, thế nên tôi đã chặn số của anh ta và thuê một phòng khách sạn để chơi Flappy Bird cho thỏa thích. Hiện giờ tôi vẫn đang ở trong khách sạn.”

Thế nhưng những lời bình luận trên vẫn không thể nào ngăn nổi hàng triệu lượt người tải trò chơi này về máy mình mỗi ngày, và rất nhiều nhà lập trình tìm cách làm nhái các trò chơi tương tự để ăn theo sức hút của Flappy Bird. Nó cũng thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà phân tích và các nhà phát triển về nguyên nhân dẫn đến thành công vang dội của một trò chơi vô cùng đơn giản này. Phải chăng là do con chim, hay do độ khó ghê gớm của trò chơi, hoặc là do khi chơi, người ta tạm thời bỏ qua mọi thứ và chỉ duy trì hoạt động cơ bản nhất của não bộ?

Nhà phân tích Lyvia Haley viết nhận xét của mình trên Android: “Trò chơi này ngốn của bạn mọi quy trình tư duy và khao khát. Bạn biết rằng mình có thể làm tốt hơn nữa, thế nên bạn không thể ngừng chơi.” Haley đã cho ứng dụng “Flappy Bird” 5 sao trên bảng đánh giá, và cô cho biết đến giờ vẫn đang chơi trò này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Flappy Bird Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN