Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho VN có ý nghĩa như thế nào?

“Di sản” cuối cùng của chiến tranh được xóa bỏ, Việt Nam có thêm lựa chọn tốt hơn để mua sắm vũ khí, bảo vệ chủ quyền.

Mỹ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam - Có ý nghĩa thế nào

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama họp báo chung (ảnh: NLĐ)

12 giờ 50 trưa 23.5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama có buổi họp báo chung tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.

Tại đây, Tổng thống Obama đã công bố Mỹ chính thức dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Việt Nam hoan nghênh Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Theo Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, đây là một sự kiện quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

“Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm là biểu tượng cho sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Di sản cuối cùng sau chiến tranh được xóa bỏ, quan hệ giữa hai nước đã bước sang trang mới”, tướng Thệ nói.

Ông Thệ đánh giá, trước mắt việc dỡ bỏ này chưa đem lại nhiều tác động. Bởi hiện nay, số lượng vũ khí Việt Nam mua của Mỹ vẫn còn khá ít và khi mua sắm cũng cần một thời gian để làm quen, vận hành. Hầu hết vũ khí của Việt Nam đang sử dụng được mua từ Nga, chiếm hơn 90%.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã bắt đầu đa dạng hóa phương tiện, trang thiết bị, vũ khí các loại như vũ khí của Isarel, Hà Lan, Pháp.

“Vũ khí Mỹ được đánh giá hiện đại nhất thế giới, chúng ta sẽ có thêm lựa chọn để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Việc dỡ bỏ tạo điều kiện tốt hơn để Việt Nam mua sắm vũ khí từ các nước khác trên thế giới.

Về dài hạn khi hai bên hiểu nhau, hợp tác lâu dài hơn, có thể từng bước mở ra khuôn khổ hợp tác mới như công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng vũ khí”, tướng Thệ nói.

Chuyên gia nghiên cứu quốc tế Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao cho rằng việc dỡ bỏ này cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ, các tập đoàn chế tạo máy bay, vũ khí lớn có cơ hội hợp tác với Việt Nam, một đối tác tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực biển.

“Cùng với việc bình thường hóa quan hệ với Cuba, ký thỏa thuận lịch sử với Iran, thúc đẩy quan hệ với Myanmar, ông Obama đã tạo được dấu ấn cá nhân nổi bật trong nhiệm kỳ của mình với việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam”, ông Thái nhận định.

Tháng 10.2014, Mỹ đã thông báo dỡ bỏ cấm vận vũ khí một phần với Việt Nam nhằm giúp Việt Nam tăng cường khả năng bảo đảm an ninh hàng hải. Sau đó, ngày càng nhiều nghị sĩ và quan chức Mỹ vận động, ủng hộ việc bỏ hoàn toàn cấm vận.

Trước đó, vào 21 giờ 30 tối ngày 22.5, Tổng thống Obama đã tới sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 đến 25.5 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Đây là chuyến thăm Việt Nam chính thức đầu tiên của ông Obama trên cương vị Tổng thống, nhưng là chuyến thăm thứ ba liên tiếp của các Tổng thống Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Chuyến thăm chính thức của ông Obama bắt đầu từ 10h30 sáng 23.5, với lễ đón chính thức tại Phủ chủ tịch. Tổng thống Mỹ đã có hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cùng chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác.

Sau đó, Tổng thống Mỹ đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Nhà sàn Bác Hồ.

Chiều ngày 23.5, ông Obama sẽ dự buổi chiêu đãi Nhà nước trước khi hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN