Một gia đình "rủ nhau" hiến máu tình nguyện hơn 100 lần

Sự kiện: Thời sự Hưng Yên

Các con gái của ông đều đang ở nhà nội trợ chứ không hề cao sang gì nhưng vẫn luôn giữ tinh thần nhân ái, sẻ chia những giọt máu đào của mình cho xã hội.

Đến thôn 3, xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), hỏi về gia đình ông Lê Trung Truyền thì người dân xung quanh nhanh nhảu chỉ dẫn với lời giới thiệu: "Nhà ông Truyền nuôi lợn "nhảy" ấy chứ gì, ông ấy gần 60 rồi, có 5 người con phải không?".

Ngoài những điều này ra, không ai nhắc đến cụm từ "hiến máu" khiến chúng tôi lo ngại có thể là sai sai địa chỉ hoặc đã có sự nhầm lẫn nào đó.

Căn nhà nhỏ với nội thất đơn giản, bên ngoài là giàn phong lan và khu chuồng chăn nuôi lợn của một gia đình lao động bình dân. Tuy nhiên lại ít người biết rằng đó chính là một tổ ấm đã rất nhiều lần tình nguyện hiến máu cho xã hội.

Sinh năm 1959, gần 60 tuổi nhưng ông Truyền vẫn rất khỏe mạnh, nước da hơi ngăm và nở nụ cười thân thiện đón khách. Thế nhưng, khi hỏi về chuyện cả nhà hiến máu tình nguyện thì ông lại khiêm tốn hết mực: "Có gì đâu mà kể, vì thích thì đi hiến thôi".

Năm 2007, trong một lần thăm người nhà tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ông nhận thấy nhiều bệnh nhân rất cần máu trong khi nguồn máu trong bệnh viện lại khan hiếm nên đã quyết định hiến máu tình nguyện từ đó. Sau đó, ông đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để thử và hiến máu.

Ông cho biết, nhóm máu của mình thuộc nhóm B. Đến nay, ông đã có gần 10 năm hiến máu: “Trước đây đến viện thì thường gặp nhiều người trẻ đi bán máu, chủ yếu là sinh viên khó khăn, thiếu thốn. Từ lần đầu đi hiến, tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều, chỉ đơn giản là mình cho được thì cho đi thôi...

Trong khi nhiều người cần máu mà không có, mình đủ điều kiện và việc hiến cũng không hại tới sức khỏe thì tại sao lại không hiến cho người ta? Dòng máu của mình được mang đến cứu giúp bệnh nhân kém may mắn thì đó là một niềm vui đối với tôi và gia đình rồi”.

Một gia đình "rủ nhau" hiến máu tình nguyện hơn 100 lần - 1

Người đàn ông này đã có gần 10 năm đều đặn đi hiến máu tình nguyện.

Lần đó, ông không hề tiết lộ với gia đình, khi vợ ông là bà Loan biết chuyện thì đã bực dọc và không tán thành việc làm của chồng vì nỗi lo ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, ông vẫn kiên quyết theo đuổi mong muốn và còn thuyết phục các thành viên khác và hạnh phúc là các con của ông cũng nhiệt tình tham gia phong trào này.

Đến nay, tuy không nhớ chính xác nhưng ông cho biết mình đã hơn 30 lần đi hiến máu, cộng thêm "thành tích" của các con thì cả gia đình ông đã có hơn 100 lần trao những giọt máu đào cho xã hội.

Được biết, vợ chồng ông sinh được 5 người con (4 gái, 1 trai) thì tất cả đều nghe theo lời ông đi hiến máu. Con gái cả năm nay 33 tuổi, còn con trai út thì sinh năm 1994.

"Nhà có 7 người thì 6 người đi hiến, vợ tôi thì sức yếu nên thôi. 4 con gái của tôi đều đã có gia đình rồi và các con rể cũng tham gia". Quả thực hiếm có, bởi một gia đình có đến 9 người tham gia hiến máu tình nguyện, ngoài ông Truyền thì phải kể đến chị Lê Thị Bích Diệp (là con gái thứ 4, có hơn 20 lần hiến máu), anh Lê Xuân Tiệp và chị Lê Thị Thiệp (đều hơn 15 lần).

Đều đặn 3 tháng một lần thì ông lại chủ động đi hiến máu, mỗi đợt 350 ml. Ông khẳng định việc đều đặn hiến máu không hề có hại gì đối với mình bởi mọi thứ vẫn luôn bình thường.

"Cứ canh đến gần ngày đủ tháng thì tôi lại tìm hiểu xem ở địa phương có chương trình hiến máu tình nguyện nào thì sẽ đi, nếu không có thì sẽ đến thẳng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương".

Một gia đình "rủ nhau" hiến máu tình nguyện hơn 100 lần - 2

Tuy gần 60 tuổi nhưng ông vẫn giữ được cơ thể rắn chắc, khỏe mạnh.

Ông cũng chia sẻ, giờ không còn gặp nhiều người phải đi bán máu như trước nữa nhưng máu thì vẫn thiếu. Mang ra một sấp giấy màu đỏ cất giữ cẩn thận trong tủ kính, đó là những tấm giấy chứng nhận hiến máu của ông và các con trong gia đình.

Tuy không tập hợp đủ nhưng số lượng đủ để khiến nhiều người phải cảm thấy trân trọng: "Không còn giữ nữa vì nhiều quá, mà giữ lại cũng không để làm gì", phải nài nỉ mãi thì ông mới chịu đem ra "khoe" với chúng tôi.

Anh Nguyễn Đức Phúc, con rể của ông Truyền hiện đang làm việc tại địa phương đã nhiều lần cùng vợ đi hiến máu mà không chút ngần ngại: “Theo gương bố, chúng tôi tham gia hiến máu góp một phần nhỏ để cứu giúp những người bệnh kém may mắn. Tôi cũng vận động, tuyên truyền thêm bạn bè cùng tham gia hiến máu nhân đạo”.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông cho biết trước đây mình từng tham gia Trung đoàn 534 (Quân đoàn 26, Quân khu 1) lên miền núi phía Bắc giúp nhân dân xây dựng lại cuộc sống sau tranh chấp biên giới năm 1979.

Các con gái của ông đều đang ở nhà nội trợ, không phải là những người làm công việc cao sang gì nhưng vẫn giữ tinh thần hiến máu thường xuyên. Còn phần mình, ông giữ thói quen dậy sớm hằng ngày để đi bộ vài cây số và kỳ lạ là ông vẫn giữ được thân hình rắn chắc, khỏe khoắn, dù đã gần 60 tuổi.

“Những đóng góp của tôi và gia đình còn nhỏ bé nhưng có lẽ cũng là những việc có ích đối với những người bệnh cần máu. Chúng tôi giúp đỡ họ trong lúc không may bị bệnh hiểm nghèo và sẽ tiếp tục tham gia hiến máu khi còn có thể” – ông khiêm tốn chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nông Thuyết (Gia đình & Xã hội)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN