Tin mới nhất vụ 3 phu vàng ngạt khí ở Thanh Hóa

Sự kiện: Thanh Hóa

Lúc 10h ngày 7/6, lực lượng chức năng mang theo mặt nạ phòng độc và các thiết bị khác đã xuống hang để đưa 3 người bị ngạt khí lên. Được biết, nơi xảy ra tai nạn từng được ngành chức năng cùng chính quyền đề nghị nổ mìn, lấp hang.

Tin mới nhất vụ 3 phu vàng ngạt khí ở Thanh Hóa - 1

Hiện trường khu vực hang xảy ra tại nạn. Ảnh: Hoàng Lam.

Lúc 10h ngày 7/6, có 58 người gồm lực lượng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Ban chỉ hủy tìm kiếm cứu nạn, Cảnh sát PCCC, Công an… mang theo mặt nạ phòng độc và các thiết bị khác đã có mặt tại hiện trường để đưa 3 người bị ngạt khí dưới hang lên.

Trong khi đó, ông Lê Thế Sự - giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (đóng tại huyện Bá Thước, Thanh Hóa) cho biết: Nơi xảy ra sự việc khiến 3 phu vàng ngạt khí từng được ngành chức năng cùng chính quyền đề nghị nổ mìn, lấp hang. 

Ông Sự cũng cho biết thêm: Ngoài hang Nước ra, ở khu vực này còn nhiều hang khác như hang Đỏ, hang cây Bương… là hiện trường khai thác vàng còn lại từ năm 1988, trong chuyên án V89 của Công an tỉnh Thanh Hóa

Năm 1990, sau khi tướng cướp Nguyễn Mạnh Hiền (biệt danh Hiền “đầu bạc”, cai quản toàn bộ khu vực khai thác vàng này) bị bắt, chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép có quy mô lớn ở đây. 

Khu vực này có địa hình giáp 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa, cách xa khu dân cư, địa hình hiểm trở. 

Những năm gần đây, các đối tượng (hầu hết là thành phần nghiện ngập) thường lui tới, lén lút vào các hang khai thác theo kiểu đào, đãi lại.

Tin mới nhất vụ 3 phu vàng ngạt khí ở Thanh Hóa - 2

Lực lượng chức năng chuẩn bị vào hàng

Do đây là khu vực rừng đặc dụng, được bảo vệ nghiêm ngặt, nhiều năm qua, lực lượng kiểm lâm của Ban quản lý bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thường xuyên bám sát địa bàn, giải tỏa nhiều lán, trại, máy móc do các đối tượng trên dựng nên để khai thác vàng trái phép. 

Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng rời khỏi hiện trường giải tỏa được thời gian, các đối tượng lại quay trở lại. Năm 2012, ngành chức năng cũng từng đề nghị cho nổ mìn lấp hang, nhưng sợ ảnh hưởng đến hiện trạng của rừng đặc dụng nên việc nổ mìn đã không được thực hiện.

“Những năm gần đây, lực lượng kiểm lâm địa bàn được tăng cường ở khu vực hang Kịt (trong đó có hang Nước và các hang khác). Trước khi xảy ra sự việc 4 ngày, lực lượng kiểm lâm cũng đã kiểm tra tại khu vực hang Nước. Do hang Nước khá sâu, lâu ngày không có người xuống dưới hang, hang tích tụ nhiều khí độc. 

Dưới hang đang còn thiết bị mà các đối tượng khai thác trước đây bỏ lại, có thể, những người trên biết và muốn sử dụng nên đã xuống hang lấy máy móc và đã xảy ra sự việc trên”- ông Sự cho biết thêm.

Như tin đã đưa trước đó, ngày 5/6, lần lượt 3 người xuống hang Nước, bản Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã bị ngạt khí, không thể ra khỏi hang. Một người may mắn thoát chết, bò lên khỏi hang để thông báo.

Trưa ngày 6/6, các lực lượng chức năng đã đến hiện trường tham gia cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên do hang Nước quá sâu (300-400m) trong hang có khí độc, lực lượng cứu hộ, cứu nạn lại không có dụng cụ mặt nạ phòng độc, nên chưa thể xuống hang. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Lam (Tiền Phong)
Thanh Hóa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN