Ma lai, thuốc thư: Những con số hãi hùng

Sự kiện: Thời sự

Tự tử gia tăng và việc lợi dụng hiện tượng ma lai, thuốc thư trong cộng đồng bà con dân tộc Tây Nguyên để gây mất trật tự an ninh xã hội đang là vấn đề đáng báo động

Gia Lai là một trong những địa phương có số người dân tộc thiểu số tự tử cao nhất nước. Mảng tối tâm linh với những bóng ma huyễn hoặc đã ám ảnh, đày đọa người dân nơi đây. Nó cũng là nguồn cơn dẫn đến những kết cục đau lòng, những cái chết bi thảm.

Dễ dàng tìm đến cái chết

Theo thống kê chưa đầy đủ, số người chết do tự tử ở Gia Lai từ năm 2005 đến nay là 901 người. Trong đó, huyện Phú Thiện có số người tự tử cao nhất với 228 người; kế đến là huyện K’Bang 219 người, huyện Kông Chro 119 người, huyện Đức Cơ 96 người, huyện Ia Grai 67 người… Hầu hết các vụ tự tử rơi vào đồng bào dân tộc thiểu số. Họ tìm đến cái chết rất dễ dàng.

Ở huyện Kông Chro, ngoài số vụ chết người do uống rượu làm mất kiểm soát dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau thì phần đông các trường hợp tự tìm đến cái chết không rõ nguồn cơn hoặc chỉ vì những lý do hết sức đơn giản như mâu thuẫn gia đình; ốm đau không có điều kiện chữa bệnh; bị vu oan trộm cắp; đòi cha mẹ mua điện thoại, xe máy đẹp nhưng không được đáp ứng...

Điển hình là trường hợp của ông Đinh Văn Duếch - người làng Kpiêu, xã Đắk Tơ Pang, huyện Kông Chro. Cuối tháng 10-2015, ông Duếch sau khi uống rượu say đã về nhà gây gổ với vợ. Tự ái vì bị mẹ mắng, ông Duếch tìm đến cái chết ngay tại nhà. Bà Đinh Thị Drép, mẹ ông Duếch, nói: “Từ ngày nó chết, tôi nhớ nó lắm, làm cái gì cũng nhớ nó. Chỉ vì giận câu nói của tôi mà nó tìm đến cái chết”.

Ma lai, thuốc thư: Những con số hãi hùng - 1

Việc bảo tồn các giá trị văn hóa cần gắn với nâng cao nhận thức, hiểu biết cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Tại huyện K’Bang, những năm 1980 trở về trước, không hiểu vì lý do gì mà nhiều thanh niên trong một xã có phong trào lấy dải băng vải đỏ quấn cổ. Chính quyền địa phương thấy lạ nên cử cán bộ tìm hiểu và biết có 19 thanh niên dân tộc Bahnar đăng ký để chết. Cũng ở huyện này, có những trường hợp tự tử hết sức đau thương. Đó là một gia đình có 4 người cùng tìm đến cái chết. Người con út buồn bực chuyện gì đó không rõ rồi tự tử tại kho lúa. Sau đó cứ cách 2 tháng, lần lượt người chị, mẹ rồi đến cha tự tử, cũng tại kho lúa.

Cũng có những trường hợp tự tử do trình độ học vấn thấp. Một thanh niên khi sử dụng thuốc trừ sâu trên hoa màu, sau thời gian thấy sâu không chết nên lấy thuốc uống thử và kết cục tự mình rước cái chết oan uổng vào thân.

Cho đến nay, chưa có lý giải thuyết phục nào về nạn tự tử gia tăng trong đồng bào dân tộc thiểu số liên quan thế nào đến hiện tượng ma lai hay thuốc thư. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chính những bóng ma huyễn hoặc đã ám ảnh, đày đọa người dân nơi đây. Các kết quả khảo sát còn cho biết người Bahnar tự tử nhiều hơn hẳn người Jrai. Trường hợp cháu Ksor Sôn tự tử mới đây được đề cập trong bài viết trước có một nửa dòng máu là người Bahnar.

Về thuốc thư, thống kê từ những năm 1980 đến nay, toàn tỉnh Gia Lai xảy ra 138 vụ gây rối, đập phá liên quan đến “thuốc thư”, làm 15 người chết. Trong đó nhiều nhất là huyện Kông Chro, có 9 người chết. Người viết không thể quên do bị vướng vào cái gọi là thuốc thư, một gia đình 6 người ở làng Chơ Ghur, xã Bơ Tó, huyện Ia Pa bị đánh chết vào năm 1980.

Chỉ do các ông thầy cúng

Đồng bào dân tộc ở Gia Lai có chung quan niệm rằng ma lai là một loại “hồn ma ác độc”, xâm nhập vào cơ thể của một người, mượn hình hài người sống để tồn tại. Ban ngày, đi làm ăn như người bình thường nhưng khi đêm đến, ma lai tự tách đầu khỏi thân xác thực tại, rút ruột đi ăn thịt, ăn nội tạng người khác hoặc ăn xác chết. Khi làng có chim lợn, cú mèo kêu thì đồng bào cho rằng đó là ma lai đang cưỡi chim lợn, cú mèo đi lượm ăn xác thối, bắt “hồn vía” những người đau yếu và trẻ con, do đó trong buôn, làng ắt có người chết. Thống kê cũng cho thấy thời gian gần đây, tình trạng ma lai không còn xảy ra ở các buôn làng Tây Nguyên nữa, có chăng còn một ít người già nghĩ về nó.

Tôi còn nhớ từ thuở nhỏ, người ta hay nói về ma lai có khả năng hút máu người. Người bị ma lai hút máu cứ thế hết máu mà chết và ma lai tồn tại được bởi nó hút máu người như một loại thức ăn của nó. Về sau này, nhiều người nghĩ ma lai không hút máu ai cả, nó chỉ thư cho chết. Nhưng thuốc thư là gì và thư như thế nào thì cũng chỉ... nghe đồn, cũng chỉ do các ông thầy cúng hoặc già làng tưởng tượng ra, nói phao ra thế rồi làm náo loạn cả làng lên.

Tự tử gia tăng và việc lợi dụng hiện tượng ma lai, thuốc thư trong cộng đồng bà con dân tộc Tây Nguyên để gây mất trật tự an ninh xã hội hiện đang là vấn đề đáng báo động. Những vụ việc vì ghét nhau rồi tìm cách đổ cho người khác bị ma lai nhập, kéo cả làng đến giết cả nhà người ta vẫn cứ xảy ra. Những cái chết bất ngờ, hạn hán, dịch bệnh, cả hỏa hoạn, lũ lụt... đều là cái cớ cho ma lai xuất hiện...

Không hẳn do trình độ thấp

Các nhà xã hội học, những người có trách nhiệm cho rằng ma lai, thuốc thư là hệ quả của việc thiếu hiểu biết và cách hữu hiệu nhất là nâng cao trình độ dân trí, thay đổi nhận thức cho bà con. Nghe cũng có lý nhưng hình như vẫn chưa đủ. Ngay đối với dân tộc Kinh, dù rất nhiều người bằng cấp đầy mình nhưng vẫn mê tín một cách mù quáng. Họ cũng xem ngày tốt, ngày xấu, cũng cúng bái, lễ tạ rất rình rang, công phu. Nhiều việc không thể lý giải được nên họ đặt hết niềm tin vào đấng siêu nhiên bí ẩn nào đấy. Và vì thế, càng ngày các lễ hội tâm linh càng phát triển, đền chùa, miếu mạo càng mọc lên dày đặc. Rồi các ông đồng bà cốt xuất hiện ngày càng nhiều; kể cả nhiều người tự xưng là nhà ngoại cảm có thể nói chuyện được với người cõi âm. Cũng nhờ thế, nhiều cơ sở kinh doanh hàng âm phủ mọc lên và hốt bạc từ sự mù quáng của nhiều người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Công Hùng (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN