Lớp học thời sơ tán

Trong thời gian cao điểm của chiến tranh phá hoại miền Bắc, đã có khoảng 260.000 học sinh các cấp cùng 50.000 sinh viên, học sinh chuyên nghiệp rời trung tâm Hà Nội sơ tán ra ngoại thành và các tỉnh lân cận.

Các em tiếp tục đến trường: học chữ, học làm mũ rơm, học làm trường, làm hầm, đào hào... Và từ nơi sơ tán, rất nhiều câu chuyện xúc động giữa thầy và trò trong hoàn cảnh khó khăn.

Lớp học thời sơ tán - 1

Chiếc mũ rơm của các em nhỏ Hà Nội thời sơ tán - Ảnh tư liệu của NXB Kim Đồng

Lớp học dưới hầm

“Thời gian Mỹ đánh phá ác liệt nhất, thầy trò trường chúng tôi được lệnh chia làm hai nhóm, một nửa sơ tán về Gia Lâm, một nửa sang mãi tận Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Về nơi ở mới, chúng tôi gần như phải bắt đầu lại từ con số không, từ việc lo cơ sở vật chất tới bố trí nơi ăn ở cho giáo viên, học sinh” - nhà giáo ưu tú Hoàng Ngọc Anh, một trong những giáo viên của Trường THPT Lý Thường Kiệt (nay được sáp nhập vào Trường THPT Việt Đức, Q.Hoàn Kiếm) cùng cả trường đi sơ tán, nhớ lại.

Về nơi ở mới (Khoái Châu), việc đầu tiên mà thầy giáo Hoàng Ngọc Anh cùng các đồng nghiệp phải thực hiện là xây cất trường lớp. Được người dân địa phương hỗ trợ, dẫn đường, thầy trò Trường Lý Thường Kiệt cùng đốn cây đào đất, dựng các lớp học. “Gọi thế cho sang, chứ thật ra lớp học chỉ là những căn phòng tạm bợ, được che chắn bằng các tấm phên, bạt cao su”.

Kỳ công hơn thì làm “vách tường” bằng cách trát bùn trộn rơm. Thậm chí không có phên, không có rơm làm vách, thầy trò Trường THPT Lý Thường Kiệt còn đào sâu xuống lòng đất chừng 1,5m như người ta đào ao nuôi cá, rồi đưa cả lớp xuống đó dạy - học.

Bàn ghế là những thanh tre, gỗ tạp được tận dụng từ nhiều thứ. Những lớp học như vậy tuy mất nhiều công sức để đào nhưng có tác dụng phòng tránh bom đạn tốt hơn, lại hạn chế gió lùa nên ấm áp hơn hẳn những lớp trên mặt đất. Vậy là hàng chục phòng học kiểu này đã ra đời trên địa bàn sơ tán. “Nhưng dù bằng cách nào thì mỗi lớp vẫn phải đảm bảo có đủ hầm trú ẩn cá nhân, có giao thông hào để khi nghe tiếng kẻng báo động tất cả thầy trò đều rút xuống cho an toàn” - thầy Hoàng Ngọc Anh kể.

Lớp học thời sơ tán - 2

Học sinh vùng sơ tán đào hào tránh bom - Ảnh tư liệu của NXB Kim Đồng

Đói và rét là hai thứ luôn thường trực, đeo bám thầy trò hết ngày này sang ngày khác. Thi thoảng có học sinh được người nhà ở Hà Nội mang một ít gạo, đường lên “tiếp tế” hoặc thầy cô tới tháng nhận hàng trợ cấp, lớp lại vui như tết. “Mỗi em chỉ có 1-2 bộ quần áo, mùa đông cũng như mùa hè.

Ngày nóng nực còn đỡ khổ chứ ngày rét thì lạnh thấu xương. Trong khi đó hầu hết học sinh của tôi đều đi chân đất đến trường, gió lùa tứ phía, vừa học vừa run” - thầy Ngọc Anh hồi tưởng.

Đề phòng gián điệp tìm hiểu các mục tiêu để đánh phá, những đứa trẻ ở Hà Nội được bố mẹ trang bị cho kiến thức để phòng giặc. “Ba không” là một trong những điều mà trẻ em ở Hà Nội hay đi sơ tán phải thuộc nằm lòng. Ba không là không nói, không chỉ, không trả lời khi có người lạ tìm đến nhà, hỏi đường.

Anh Nguyễn Văn Quang (Ngô Quyền, Hà Nội) cho biết: Hành trang đi học của những đứa trẻ thời chiến ngoài sách bút còn có mũ rơm và túi cứu thương, trong túi cứu thương có bông băng và thuốc đỏ. Chúng tôi được học sơ cứu, garo và băng, rửa vết thương nếu chẳng may bị bom đạn.

Chúng tôi còn được học làm mũ rơm, cài lá ngụy trang và được hướng dẫn không mặc áo màu sáng. Các bạn gái thì không dùng kẹp tóc bằng thép màu trắng, nếu dùng phải cuốn sợi len vào che đi”.

Lớp học thời sơ tán - 3

Bầu trời không yên tĩnh, còn dưới đất những đứa trẻ tiểu học đối mặt với bao gian nan - Ảnh tư liệu

Mấy năm đi sơ tán ở xã Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội), cứ đến cuối tuần anh Quang lại đi bộ về nhà ở Ngô Quyền. “Khi ấy nhà tôi chỉ còn mẹ, vì bố cũng đưa các em đi sơ tán cả. Cuối tuần tôi về nhà thì gặp được bố, thỉnh thoảng mới gặp các em. Mình về vì nhớ nhà thôi chứ cũng không phải mang theo lương thực thực phẩm gì. Tem phiếu thì mang nộp cho trường và ăn ở nơi sơ tán rồi”.

Kể về sự gắn bó, tình cảm thầy trò từ nơi sơ tán, thầy Hoàng Ngọc Anh bảo không thể nào nhớ hết và kể hết được. Đặc biệt, một món quà rất bất ngờ từ những người học trò thân thương làm cho mình mà đến giờ khi kể lại thầy vẫn còn nguyên sự xúc động.

Trước tết năm ấy, thầy Hoàng Ngọc Anh chơi thể thao bị bong gân chân nên đã báo về gia đình không thể về vui xuân cùng bố mẹ. Hôm rước ông bà về ăn tết, thấy nhà nhà sum vầy, ngôi trường sơ tán cũng vắng hoe, thầy Anh càng thắt lòng. Nhưng chiều 29 tết thầy Ngọc Anh hết sức bất ngờ khi thấy: “Bốn em học sinh mang theo thức ăn, xe đạp và nạng xuống nơi tôi ở trọ, ngỏ ý muốn chở tôi về nhà đón tết”.

Chân vẫn còn đau, đến việc sinh hoạt cá nhân còn khó khăn, nói gì tới di chuyển cả quãng đường gần 30km. “Dù đã biết sẽ ít có khả năng Mỹ ném bom trong những ngày Tết Nguyên đán nhưng tôi vẫn lo. Nhỡ lúc đi đường mà lại bị bom thì không chỉ mình khổ, mà còn phiền lụy cho các em”. Nhưng cuối cùng, những lời thuyết phục của học trò đã tiếp thêm sức mạnh cho thầy giáo trẻ. “Năm chúng tôi vừa đi xe đạp, vừa đi bộ cùng qua sông để về nhà trước sự ngỡ ngàng của cả gia đình”. Trên đường đi về, tôi có hỏi các em: “Tại sao không ở nhà giúp đỡ bố mẹ?”. Các em trả lời: “Tết là ngày sum họp, thấy thầy phải đón tết một mình các em cũng không vui. Bố mẹ chúng em cũng nghĩ thế!”.

Ngoài những trường hợp sơ tán theo trường như THPT Lý Thường Kiệt, còn có bộ phận không nhỏ học sinh sơ tán theo gia đình hoặc theo cơ quan bố mẹ. Số này sẽ được học ghép cùng học sinh tại địa phương đến. Cùng với học văn hóa, các em còn được dạy kỹ năng sơ cứu thương và bện mũ rơm để phòng tránh thương tích. “Trường tôi đã tiếp nhận nhiều học sinh thuộc diện sơ tán. Dù lạ người, lạ cảnh nhưng đa số các em hòa nhập rất tốt, nhiều em có kết quả học vượt trội so với học sinh địa phương” - thầy Nguyễn Duy Nghĩa, giáo viên Trường THCS Phùng Xá (huyện Thạch Thất) giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc, cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tấn Đức - Hoàng Điệp (Tuổi Trẻ)
Hà Nội - Những tháng ngày sơ tán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN