Loa phường: Gần “phát rồ”, xa không tác dụng

Sự kiện: Thời sự

Nhiều người ủng hộ đề nghị bỏ loa phường của Chủ tịch Hà Nội, nhưng một số người lại tiếc nuối hình ảnh, âm thanh quen thuộc của loa phường.

Loa phường: Gần “phát rồ”, xa không tác dụng - 1

Nhiều người ủng hộ đề nghị bỏ loa phường của Chủ tịch TP Hà Nội (ảnh minh họa: Hồng Phú) 

Mới đây, phát biểu trong Hội nghị của Sở Thông tin & Truyền thông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, loa thời kỳ bao cấp rất có tác dụng. Nhưng trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, thành phố có nhiều phương thức khác phục vụ người dân.

Ông Chung yêu cầu đánh giá lại hoạt động của loa phường, nếu thấy không hiệu quả, có thể mạnh dạn đề xuất bỏ đi.

Thông tin trên thu hút sự quan tâm của dư luận, cùng nhiều ý kiến khác nhau.

“Phát rồ” vì loa phường

Người dân Thủ đô từ lâu đã quen với hình ảnh những chiếc loa phường lắp trên cột điện, phủ kín khắp các ngõ ngách. Đặc biệt, các khu vực đông dân cư ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa…các khu tập thể cũ, hệ thống loa phường càng dày đặc.

Anh Nguyễn Tuấn Quảng (34 tuổi, khu tập thể Thành Công, HN) có căn hộ ngay sát cặp loa phường cho hay, gia đình anh thường xuyên bị quấy nhiễu bởi tiếng ồn của loa.

“Vợ tôi mới sinh con, sáng sớm loa phường đã đánh thức cả nhà dậy. Tiếng loa phường kéo dài 15 phút, kết hợp với tiếng con khóc lắm lúc khiến tôi phát rồ lên. Từ lâu tôi chẳng còn quan tâm loa phường phát cái gì, chỉ muốn nó dừng phát càng nhanh càng tốt”, anh Quảng nói.

Chị Trần Thanh Hoa (28 tuổi, Khâm Thiên, HN) bày tỏ vui mừng trước đề nghị bỏ loa phường: “Thành phố tháo loa phường được luôn thì tốt quá. Mấy ngày qua tôi mất ngủ, trưa tranh thủ về nhà ngủ bù một chút. Vừa chợp mắt, khoảng hơn 13h, loa phường oang oang mấy câu yêu cầu đổ rác, dọn vệ sinh, thật không thể chịu nổi”.

Theo chị Hoa, hầu hết những thông tin vụn vặt như nhắc nhở dọn vệ sinh, họp tổ dân phố… đều đã được ghi ở bảng tin đầu ngõ và được tổ trưởng dân phố nhắc nhở đến từng nhà, không cần thiết phải đưa lên loa phường.

“Các thông tin thời sự, chính sách mới, người trẻ đã có smartphone lướt mạng, người già có thể đọc báo, xem tivi. Thêm loa phường quá thừa thãi, ở gần thì gây phiền toái, ở xa mọi người nghe bập bõm không có tác dụng ”, chị Hoa cho hay.

Người trẻ kêu than, người già khen hữu ích

Tuy nhiên, những người cao tuổi lại ủng hộ việc duy trì loa phường. Ông Lê Thanh Minh (75 tuổi, khu tập thể Bách Khoa, HN) cho biết, ông thường lắng nghe chăm chú những bản tin của loa phường.

“Xưa thì nghe tình hình chiến tranh, ngày xếp hàng mua lương thực, giờ tôi nghe xem khu mình sống có gì mới. Những thông tin trên mạng, chúng tôi không tiếp cận được. Loa phường gắn bó với Hà Nội từ vài chục năm nay rồi. Có thể điều chỉnh giờ phát, nội dung nhưng bỏ đi hẳn thì không nên”, ông Minh bày tỏ.

Theo TS Trịnh Hòa Bình- Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) , hệ thống truyền thanh công cộng trong suốt nửa thế kỷ qua đã giữ một vai trò lịch sử quan trọng.

"Loa phường là một biểu tượng, hình ảnh rất thân thương với những lớp người trước. Nó xứng đáng được tôn vinh vì đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình", TS Bình nói.

Tuy nhiên, nhà xã hội học cũng cho rằng các loại hình truyền thông chưa thay thế được loa phường ở một số khu vực nhưng tác dụng của loa phường đã suy giảm. "Nhiều trường hợp, loa phường còn gây phản cảm về tiếng ồn. Những hộ dân dưới chân loa phường thì "điếc tai", hộ ở xa thì... không nghe thấy".

Theo TS Bình, thành phố Hà Nội nên có khảo sát kỹ lưỡng, nơi truyền thông chưa phổ biến thì vẫn nên giữ. Nơi nào trình độ dân trí, kinh tế xã hội phát triển nên bỏ hẳn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN