Lấy tín nhiệm: “Cả nhiệm kỳ một lần thì vô nghĩa”

Bàn về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm, ĐB Đỗ Văn Đương (TP. HCM) nói: “Tổng thống 100 ngày là người ta đánh giá rồi, cả nhiệm kỳ một lần thì vô nghĩa, không có tác dụng”.

Chiều 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc sửa Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Lấy phiếu tín nhiệm hai lần một nhiệm kỳ

Đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu) cho rằng dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng mỗi nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm một lần là chưa phù hợp.

Một số đối tượng có thể cho rằng thời gian còn dài nên chậm trễ triển khai các hoạt động khắc phục hạn chế. Một số có thể có tâm lý hết nhiệm kỳ sẽ nghỉ hưu, việc đánh giá thế nào không quan trọng. Do vậy, không tập trung khắc phục hạn chế, thiếu sót để nâng cao tín nhiệm, khắc phục được đến đâu hay đến đó.

Mặt khác, nếu theo phương án này sẽ không đảm bảo tính kịp thời trong việc đánh giá cán bộ, làm cơ sở bố trí sử dụng cán bộ như mục đích và nghị quyết đề ra.

Đại biểu đề nghị quy định lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ. Lần đầu tiên vào kỳ cuối năm thứ hai và lần thứ hai vào kỳ cuối năm thứ tư.

Đại biểu nói: “Theo phương án này, khoảng cách giữa các lần lấy phiếu tín nhiệm từ 2-3 năm là thời gian hợp lý để người được lấy phiếu tín nhiệm chủ động, tích cực phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong những năm tiếp theo”.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng cho rằng phải lấy tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ. Lần thứ nhất vào cuối năm thứ hai, lần thứ hai vào cuối năm thứ tư xem họ có sửa chữa gì không, đồng thời là kết quả để kỳ sau tiếp tục có tín nhiệm họ không.

“Theo tôi phải 2 lần, nếu lấy phiếu một lần thì không có ý nghĩa gì”, đại biểu Thuyền bày tỏ.

Lấy tín nhiệm: “Cả nhiệm kỳ một lần thì vô nghĩa” - 1

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương. Ảnh: Người lao động

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. HCM) cho biết, ông đồng tình với rất nhiều đại biểu Quốc hội, lấy phiếu tín nhiệm ít nhất một nhiệm kỳ 2 lần, đó là năm thứ hai và cuối năm thứ tư.

“Tổng thống 100 ngày là người ta đánh giá rồi, cả nhiệm kỳ một lần thì vô nghĩa, không có tác dụng”, ông nói.

Đồng tình với ý kiến lấy tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ, đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) phân tích thêm, lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ là cơ hội để người được lấy phiếu tự kiểm điểm, đánh giá hiệu quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu tín nhiệm.

Lần lấy phiếu thứ hai vào cuối năm thứ tư của nhiệm kỳ. Thời điểm này sẽ thể hiện mức độ phấn đấu và hoàn thành nhiệm vụ công tác của mỗi cá nhân sau khi được góp ý tại lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên. Đồng thời đây sẽ là cơ sở hợp lý để thực hiện việc đánh giá, bố trí và phân công công tác cán bộ ở nhiệm kỳ tiếp theo.

Tín nhiệm chỉ nên “có” hoặc “không”

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhận xét: “Điều người ta khen thì mình lại sửa, điều người ta chê thì mình để lại”.

Ông giải thích, người ta rất khen, nhân dân rất ca ngợi khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Đây là một bước tiến mới của Quốc hội thể hiện rõ quan điểm của Quốc hội để đánh giá, nhận xét những người quản lý, những cán bộ. Dân ca ngợi lấy mỗi năm một lần, nay bỏ đi. Dân chê lấy tín nhiệm 3 mức, mình giữ lại.

Thay vì 3 mức như hiện nay (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp), đại biểu Thuyền đề xuất, chỉ nên ghi 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.

Đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) cũng có cùng quan điểm, chỉ nên có 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm.

Ông nói thêm, khi tiếp xúc với cử tri, ông và các đại biểu liên tục bị chất vấn. Người ta nói bản lĩnh của anh là “không có bản lĩnh”. Không thể làm một cái cân để tín nhiệm hay không tín nhiệm mà tại sao lại có 3 mức.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, ông đồng ý với rất nhiều ý kiến của đại biểu về mức đánh giá chỉ nên để 2 mức. Đại biểu cũng cho rằng, ông không thông suốt với việc giải thích để 3 mức để thể hiện tính thận trọng trong công tác tổ chức cán bộ.

“Thận trọng là do mỗi chúng ta, ví dụ bỏ phiếu ở Quốc hội thì việc thận trọng chính là 498 đại biểu Quốc hội thể hiện tính thận trọng trong đó để đánh giá mỗi con người. Tại sao lại phụ thuộc vào mức tín nhiệm, đưa làm 3 mức thì thận trọng, 2 mức thì lại không phải thận trọng”, đại biểu nói.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) đề xuất hai phương án, trong đó, “phương án chuẩn nhất” gồm hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm.

Phương án thứ hai, đại biểu đề nghị vẫn giữ 3 mức nhưng tên khác, cụ thể, 3 mức sẽ là tín nhiệm, không tín nhiệm và không có ý kiến.

“Vì nếu đại biểu nào chưa hiểu rõ về một Bộ trưởng, một vị Chủ nhiệm ủy ban nào đó thì không thể hiện quan điểm”, đại biểu giải thích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN