Làng cắt tóc trăm năm giữa Hà Nội

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Làng Kim Liên nổi tiếng với di tích lịch sử Đình Kim Liên - một trong Tứ trấn Thăng Long xưa. Tuy nhiên, ít ai biết, nơi đây còn có làng nghề cắt tóc lịch sử hàng trăm năm. Có thời điểm, 70% người làng làm nghề cắt tóc.

Làng cắt tóc trăm năm giữa Hà Nội - 1

Ngày đó, người làng Kim Liên muốn học nghề không có trường, lớp đào tạo. Người mới cũng không được vào ngay cửa hiệu học nghề như bây giờ, mà phải tìm đến những người thợ cắt tóc ở bến tàu, bến xe xin học và tiếp cận vô số khách hàng bình dân trong một vài tháng. “Đến khi đã “cứng”, người thợ mới đủ điều kiện được làm việc ở những hiệu cắt tóc nổi tiếng đất Hà thành”, ông Thành nói.Gần 50 năm gắn bó với cây lược, chiếc kéo, ông Thành - 80 tuổi chia sẻ, từ thời Pháp thuộc, do ảnh hưởng từ xã hội phương Tây, nghề cắt tóc, cạo mặt mới được du nhập vào Việt Nam. Ngày đó, chính những người con của làng Kim Liên (thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) đã tiếp cận nghề cắt tóc rất sớm bằng việc vào Hoàng thành Thăng Long học nghề từ binh lính Pháp.

Trong các câu chuyện của các cụ cao niên làng, nổi tiếng nhất phải kể đến giai thoại cụ Phan Duy Hiền được vua Bảo Đại mời vào Huế làm thợ cắt tóc riêng cho mình. Chuyện kể rằng, nhân một chuyến vi hành ra Hà Nội, người thợ cắt tóc cho vua bị ốm, người hầu cận được mách đến làng Kim Liên để tìm thợ cắt tóc đẹp. Người thợ được tiến cử là người thợ cắt tóc trẻ tuổi Phan Duy Hiền. Từ lần đó, mỗi lần đi công du nước ngoài, cụ Phan Duy Hiền đều được theo vua Bảo Đại…

Sau Cách mạng tháng Tám, người làng Kim Liên làm nghề cắt tóc với số thợ lên đến hàng nghìn người, có gia đình 3 - 4 thế hệ cùng làm nghề. Nghề thịnh nhất có lẽ là vào những năm 70 của thế kỷ 20, khi có đến 70% người làng Kim Liên làm nghề cắt tóc. Ngày này, tuy đã mai một nhưng số người tiếp tục làm nghề “vít đầu thiên hạ” vẫn còn khá nhiều.

Trăn trở nối tiếp nghề truyền thống

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Gia Ngọc, cán bộ Văn hóa - Xã hội phường Phương Liên cho biết, hiện nay kinh tế phát triển, phần lớn lớp trẻ trong làng đi tìm những con đường phát triển kinh tế khác nhau chứ ít người muốn theo nghề truyền thống của các lớp cha ông. Những người còn theo nghề cũng đang chạy theo xu hướng mới với việc mở ra những salon tóc hiện đại, do vậy lớp trẻ của làng gần như không hưởng ứng lắm về nghề của cha ông.

Để khôi phục, duy trì nghề truyền thống, trong 10 năm trở lại đây, vào dịp ngày 15/3 hàng năm, chính quyền phường Phương Liên, người dân làng Kim Liên tổ chức lễ hội làng nhằm tôn vinh nghề cắt tóc, tổ chức cuộc thi chọn những tay kéo cừ khôi khỏe mạnh nhanh nhẹn. “Bên cạnh đó, phường phối hợp với các cơ sở đào tạo, mở các lớp đào tạo, tăng cường đào tạo nghề cho lớp trẻ, phù hợp xu thế nhưng vẫn mang tính truyền thống”, ông Ngọc cho hay.

Tuy nhiên, vị cán bộ hơn 20 năm cống hiến tại phường cũng băn khoăn vì làng Kim Liên chưa được công nhận là một làng nghề vì chưa có nghệ nhân. Bởi theo quy định, làng phải có 50 hộ trở lên sống bằng nghề cắt tóc, làng mới đủ điều kiện vinh danh nghệ nhân và làng nghề chính thức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HIỂU MINH (Tiền Phong)
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN