Lằn ranh sinh-tử (Kỳ 1): Tối định mệnh

Đối diện với cái chết tưởng chừng như chắc chắn trong bệnh tật nan y, trong tai nạn, thảm họa, án mạng, nhưng họ vẫn vượt qua được một cách kỳ diệu.

Có người cho rằng đó là sự nhiệm mầu, nhưng nhiều người tin rằng chính tình yêu cuộc sống cháy bỏng đã giúp bước chân đang chông chênh giữa lằn ranh sinh - tử của họ vượt qua được cái chết.

Chuyện bắt đầu vào tối mồng một tháng 7 âm lịch năm 2010. Tạ Mạnh Tiến chở vợ con đi dự lễ tân gia tại nhà người em vợ ở thị trấn Văn Điển, Hà Nội. Gia chủ, khách khứa chân tình mời rượu, Tiến chỉ dám nhấp môi vài ly. Sức uống của Tiến khá tốt, nhưng anh lo đường về nhà ở phố Lê Duẩn khá xa và cũng còn nhiều việc phải làm. Đêm hè, trời lại chuyển se lạnh với cơn mưa rào bất chợt dưới sấm chớp nhì nhằng...

Sau cú ngã bất ngờ

Gần 21h, Tiến chào chủ nhà ra về. Anh chở vợ và con trai út trên chiếc xe Wave. Sau cơn mưa đường phố sạch mát. Tiến cảm giác thư thái. Anh chỉ giữ ga xe khoảng 30km/giờ để vợ con được hít khí trời hiếm có trong mùa hè oi bức. Bất ngờ đến đoạn bến xe Giáp Bát, đường Giải Phóng, anh chợt thấy những bóng đèn đường, đèn xe, hình ảnh người qua lại nhòe nhoẹt, rồi tất cả tối sầm lại chìm vào bóng đen tuyệt đối... Vợ anh, chị Lê Thị Thảo Nguyên, xúc động nhớ: “Anh ấy đang chạy xe rất chậm, có lúc còn nói chuyện vọng ra phía sau với vợ con, rồi tự dưng loạng choạng, ngã vật ra đường, nằm cứng đờ, không còn biết gì nữa. May là không có xe lớn nào ở phía sau lao tới”.

Lay chồng dậy không được, chị Nguyên biết tình hình rất nghiêm trọng. Từng đi bộ đội, chị được trang bị chút kiến thức y tế cơ bản, nên đoán chồng mình có thể bị nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não mới hôn mê nhanh. Kéo vội chồng vào vệ đường, chị cố vẫy taxi. Nhiều chiếc vụt qua, không dừng lại. Có lẽ họ nghĩ tai nạn xe cộ hoặc cướp giết gì đó và không muốn dây vào. Tuyệt vọng, chị lao ra đường, chặn ngay đầu một chiếc xe. Tài xế thắng két, thò đầu ra cửa, hét um: “Điên à? Muốn chết à?”. Nhưng khi thấy Tiến nằm bất động trên hè đường, anh ta ngần ngừ, rồi cũng giúp chị Nguyên đưa chồng lên xe. Phân vân vài giây, chị Nguyên nói tài xế chở nhanh đến Bệnh viện Quân y 108 ở số 1 Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vì đường gần và chị cũng có người quen ở đó.

Lằn ranh sinh-tử (Kỳ 1): Tối định mệnh - 1

Sau cơn thập tử nhất sinh, sức khỏe anh Tiến phục hồi dần

Vào bệnh viện, anh Tiến vẫn chìm trong hôn mê, tiểu tiện không kiểm soát được. Bác sĩ yêu cầu chị phải vệ sinh nhanh cho chồng rồi đưa thẳng vào phòng cấp cứu. Chị Nguyên đứng ngoài cánh cửa đóng chặt, phập phồng, căng thẳng theo từng tiếng bước chân bác sĩ. Khoảng 2h sáng, cửa phòng cấp cứu mở. Bác sĩ tiến đến phía chị, nói tình trạng anh Tiến bị “xuất huyết dưới màng nhện não” mà dân gian vẫn gọi là tai biến mạch máu não. Anh đang hôn mê, cứng cổ, tình trạng rất nguy hiểm. Chị phải chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất! Chị Nguyên xúc động nhớ khoảnh khắc đó: “Nghe bác sĩ nói nước mắt tôi cứ trào ra. Nhưng thật kỳ lạ, đầu óc lại tỉnh táo hoàn toàn. Tôi không suy nghĩ gì khác ngoài phải cố gắng mọi cách để cứu chồng. Lúc ấy chồng tôi mới 52 tuổi, đứa con út vừa sang tuổi 14. Không thể để anh ấy ra đi được”.

Suốt 20 ngày sau anh Tiến vẫn hôn mê, bất động trong đám dây nhợ lằng nhằng của các thiết bị y tế kỹ thuật cao ở Bệnh viện Quân y 108. Anh sút đến 17kg, từ 57kg tụt xuống chỉ còn 40kg. Chị Nguyên cũng sút 13kg vì lo lắng, mất ăn mất ngủ, chăm chồng. Suốt 20 ngày này anh Tiến không hay biết gì. Chị Nguyên phải đưa thức ăn lỏng qua mũi, duy trì sự sinh tồn cho chồng. Anh nằm trong căn phòng đặc biệt, gần như không được mặc quần áo gì cả. Chị trải chiếu bên dưới giường chồng. Thi thoảng, khi bác sĩ vào khám chị mới dám ra ngồi một chút ngoài hành lang cho thoáng.

Suy kiệt sức khỏe theo chồng, nhưng đầu óc chị Nguyên lại rất tỉnh táo. Chị bình tĩnh sắp đặt trước mọi khả năng xấu nhất. Người ta nói những trường hợp tai biến nghiêm trọng thế này, nếu không chết thì có thể cũng bị bại liệt. Chị phải chấp nhận và sẵn sàng sống với nó. Còn điều lo lắng trước mắt là tiền điều trị quá cao, cả chục triệu đồng mỗi ngày. Cũng may chị có người anh chồng ở TP.HCM hết lòng với em trai đang thập tử nhất sinh.

Hồi sinh


Đêm thứ nhất lạnh lẽo trôi qua trong tuyệt vọng. Đêm thứ hai, rồi đêm thứ năm, thứ mười... cũng lặng lẽ dìm mọi hi vọng lại phía sau. Anh Tiến vẫn hôn mê nằm cứng đờ trên giường bệnh. Mỗi lần xoa bóp, săn sóc chồng, chị Nguyên đều nhìn chăm chăm vào gương mặt anh, vào các ngón tay ngón chân xem có phản ứng gì không, nhưng tất cả đều không có một biểu hiện gì!

...2h ngày thứ 20 trong Bệnh viện Quân y 108. Anh Tiến tự dưng thấy mình đang ở nhà anh trai trong TP.HCM. Mọi thứ đều thân thuộc, gần gũi, ấm áp. Anh vẫn đang quyến luyến muốn ở lại thì người bố đến vỗ vai: “Thôi, con về đi. Ở đây làm gì. Bố đã bảo anh mua vé cho con rồi. Con về với vợ con đi. Cả nhà đang trông con lắm đấy”. Tiến chào bố, chào anh, chuẩn bị xe... Đó cũng là lúc anh cựa mình, tỉnh lại lần đầu tiên trong suốt 20 ngày đêm hôn mê cận cái chết. Ban đầu anh vẫn ngỡ ngàng, đảo mắt nhìn quanh phòng mà anh cứ nghĩ là nhà anh trai, còn người bố và anh thì mới đấy tự dưng lại đi đâu mất. Lát sau anh mới nhìn thấy gương mặt người vợ đang âu yếm nhìn mình: “Anh có biết anh ở đâu không?”. Anh Tiến ngơ ngác lắc đầu: “Bệnh viện đấy. Anh sống rồi!”.

Lúc này, anh Tiến như tỉnh hẳn, sực nhớ lại khoảnh khắc nhòe nhoẹt, rồi tối sầm lúc anh buông tay lái, ngã lăn ra đường. Ký ức sau đó của anh trong suốt 20 ngày đêm là tối đen như mực. Khoảnh khắc duy nhất sau cú ngã xe mà anh nhớ là giấc mơ đang ở nhà anh trai, với bố, nhưng thật ra bố anh đã qua đời từ năm 1997, còn nhà anh trai thì ở đường Trần Huy Liệu, TP.HCM. Lúc bố anh vỗ vai kêu anh về với vợ con cũng là lúc anh bắt đầu hồi tỉnh từ bóng đen hôn mê. Anh ứa nước mắt nhìn gương mặt thân yêu, gầy rộc của vợ!

Lần đầu tiên anh Tiến nhìn thấy được mặt bác sĩ cũng là lúc anh được bác sĩ bắt tay, chúc mừng: “Anh may mắn đã có người vợ thương chồng hết mực đấy. Xuất huyết não của anh mà vào trễ một tí nữa là cứu không kịp”. Anh Tiến cảm ơn bác sĩ, cảm ơn vợ, cảm ơn cuộc đời may mắn hay nhiệm mầu đã cho mình cuộc sống lần thứ hai.

Vượt qua cái chết, niềm vui lại đến khi dấu hiệu phục hồi cho thấy anh không bị bại liệt như nhiều người đồng bệnh. Anh chỉ thấy mắt trái, tay trái hơi yếu, nhưng vẫn đi lại, cầm chén cơm ăn uống bình thường. Nằm thêm tại bệnh viện quân y một thời gian, anh chuyển qua y học dân tộc để tập vật lý trị liệu và châm cứu. Sau gần hai tháng, anh đã trở về ngôi nhà thân thuộc trong ngõ nhỏ phố Lê Duẩn, bên cạnh người vợ và hai đứa con thân thương. Tính tình anh thay đổi hẳn, không còn hay nóng nảy, buồn rầu nữa. Bởi từ lúc ấy anh đã thật sự thấm thía câu thơ mà trước đây chẳng mấy để ý: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày mới để yêu thương”...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Việt (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN