Kiểm nghiệm ô nhiễm khu vực nổ kho pháo hoa

Việc kiểm kê tài sản thiệt hại, kiểm nghiệm mức độ ô nhiễm xung quanh khu vực vụ nổ sẽ tiến hành gấp rút để người dân ổn định cuộc sống

Hai ngày sau vụ nổ kho pháo hoa kinh hoàng, người dân ở hai xã Võ Lao và Khải Xuân, huyện Thanh Ba, Phú Thọ đã trở về dọn dẹp nhà cửa. Những hộ dân nằm trong bán kính 1 km bị hư hỏng nặng nhất. Nhiều nhà mái ngói vỡ bung, tường đổ, kính cửa sổ vỡ…

Chiều 14/10, ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho biết công tác kiểm kê tài sản thiệt hại của người dân trong vụ nổ kho pháo hoa Nhà máy Z121 đang được Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) tiến hành. Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ cũng đã tiến hành lấy mẫu không khí, đất, nước xung quanh hiện trường vụ nổ để nghiên cứu. “Do thiệt hại rất lớn, đến giờ vẫn chưa thể thống kê được số hộ dân bị ảnh hưởng sau vụ nổ. Tuy nhiên, việc kiểm kê tài sản thiệt hại, công bố kết quả kiểm nghiệm mức độ ô nhiễm sẽ phải làm gấp rút bởi người dân cần ổn định cuộc sống”, ông San nói.

Kiểm nghiệm ô nhiễm khu vực nổ kho pháo hoa - 1

Nhiều nhà mái ngói vỡ bung, tường đổ, kính cửa sổ vỡ…

Cũng theo ông San, đối diện hiện trường vụ nổ là một kho thuốc nổ rất lớn. Chính vì thế ngay từ thời điểm xảy ra vụ nổ, các lực lượng đã phải làm mọi cách để ngăn chặn, khống chế không để ảnh hưởng tới kho thuốc nổ này. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ và Nhà máy Z121 đã đảm bảo mọi điều kiện để không xảy ra bất cứ vấn đề gì. Toàn bộ khu vực hiện nay đã an toàn.

Riêng đối với nạn nhân bị thương trong vụ nổ, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Hồ Đức Hải cho biết với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Bỏng quốc gia, các bệnh nhân trong vụ nổ đang được chăm sóc, cứu chữa. Những trường hợp có diễn biến nặng hơn sẽ được chuyển lên tuyến trên.

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS Nguyễn Trọng Uyển, giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho biết pháo hoa gồm 2 thành phần chính là chất ôxy hóa và chất khử. Khi thực hiện phản ứng pháo hoa nổ và pháo sáng, chất ôxy hóa phải tiếp xúc với chất khử bằng cách đốt nóng hoặc kích thích bằng dòng điện. Nếu thuốc pháo tự bốc cháy, việc quản lý đã không được thực hiện tốt.

Còn TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Viện phó Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), phân tích nguyên nhân chính có thể do bảo quản chất tạo nên pháo hoa. “Không bao giờ cho phép chất khử và chất ôxy hóa gần nhau bởi khi đó không cần dòng điện, chỉ cần ma sát cũng có thể gây cháy. Việc cháy nổ kho pháo hoa như vậy có thể xuất phát từ việc bảo quản không đúng nhiệt độ, trong môi trường ẩm ướt nên đã sinh ra các khí độc, giải phóng các nguyên tố ôxy hóa cao” - ông Hùng nói.

Nhận định trên cũng phù hợp với điều tra ban đầu của Nhà máy Z121 khi cho rằng khả năng pháo hoa tự phân hủy và bốc cháy. Một phần nguyên nhân xuất phát từ các trận mưa lớn gần đây khiến thời tiết ẩm, mái nhà kho được làm bằng fibro xi măng nên có thể bị dột hoặc bị nước mưa hắt vào quả pháo hoa. Pháo hoa bị ẩm, làm nhiệt âm ỉ nhiều ngày, đến một thời điểm nhất định tự bốc cháy.

Chủ tịch nước gửi thư thăm hỏi các nạn nhân

Ngày 14/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư thăm hỏi, chia buồn đến cán bộ, nhân viên, người lao động, người dân và các gia đình bị nạn trong vụ cháy nổ xảy ra ngày 12-10 tại phân xưởng sản xuất pháo hoa, Nhà máy Z121 Tổng cục Quốc phòng. Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan của Bộ Quốc phòng, chính quyền và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giải quyết kịp thời chính sách cho các đối tượng; nhanh chóng khắc phục hậu quả của vụ cháy nổ, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thế Kha (Người lao động)
Nổ kho pháo hoa ở Phú Thọ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN