Không đóng tiền, Mỹ mất quyền bỏ phiếu ở UNESCO

Mỹ đã bị tước quyền bỏ phiếu tại UNESCO sau 2 năm liên tục không chịu đóng góp tiền cho tổ chức này.

Ngày 8/11, Mỹ đã mất quyền bỏ phiếu tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc UNESCO sau 2 năm nước này chấm dứt đóng góp tài chính cho tổ chức này sau khi UNESCO kết nạp Palestine làm thành viên.

Theo các chuyên gia quan hệ quốc tế và ngoại giao phương Tây, với quyết định này của UNESCO, Mỹ đã dần mất khả năng áp đặt ảnh hưởng của mình lên các quốc gia khác trên thế giới thông qua các chương trình giáo dục và viện trợ.

Theo quy định của UNESCO, bất cứ quốc gia nào không đóng góp tài chính trong 2 năm sẽ mất quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng UNESCO. Mỹ đã chấm dứt tài trợ tài chính cho tổ chức này từ năm 2011 nhằm trả đũa việc tổ chức này kết nạp Palestine. Trong thập niên 1990, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật quy định Mỹ ngừng chi tiền cho bất cứ cơ quan nào của Liên Hợp Quốc kết nạp Palestine làm thành viên.

Đây là lần đầu tiên Mỹ tự nguyện từ bỏ quyền bỏ phiếu trong một tổ chức quốc tế mà mình là thành viên. Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova cho biết: “Tôi cảm thấy rất tiếc về điều này. Chúng tôi đã mất đi quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất, và đây sẽ là một trở ngại cho các chương trình của chúng tôi.”

Không đóng tiền, Mỹ mất quyền bỏ phiếu ở UNESCO - 1

Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO

Năm 2011, bà Bokova đã từng tới Mỹ để thuyết phục các nghị sĩ nước này thay đổi đạo luật trên nhưng không có kết quả. Tổng thống Obama cũng đã từng tìm cách thay đổi đạo luật hồi năm ngoái nhưng cũng không thành công.

Trước đây, Mỹ cung cấp khoảng 70 triệu USD, tương đương với 22% ngân sách hàng năm của UNESCO, và việc Mỹ ngừng cấp tiền cho tổ chức này đã gây ra những tác động ngay tức thì. Một số dự án và chương trình của UNESCO đã bị trì hoãn, trong đó có cả những chương trình mang lại lợi ích cho nước Mỹ.

Để đối phó với tình hình, bà Bokova đã lập ra một quỹ khẩn cấp và nhận tiền đóng góp từ Arập Xê-út, Qatar, Na Uy và một số nước khác, tuy nhiên bà lo lắng rằng quỹ này sẽ không tiếp tục được rót tiền trong năm nay.

Các nhà ngoại giao cho rằng với việc mất quyền bỏ phiếu, Mỹ sẽ phải chịu một số thiệt thòi tại UNESCO. Chẳng hạn như các địa điểm ở Mỹ sẽ ít có khả năng được lọt vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO hơn, và xa hơn là Mỹ sẽ mất đi khả năng áp dụng quyền lực mềm lên các nước khác trên thế giới.

Bà Esther Brimmer, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nhận xét: “20 năm trước, Mỹ là nước duy nhất áp dụng quyền lực mềm. Nhưng giờ đây rất nhiều nước khác đang chơi trò chơi gây ảnh hưởng này.” Bà cũng nhấn mạnh rằng thứ trưởng giáo dục của Trung Quốc vừa mới được bầu làm Chủ tịch Đại hội UNESCO.

Bà Bokova nhấn mạnh rằng với việc mất quyền bỏ phiếu này, vị thế của Mỹ trên thế giới sẽ bị suy yếu, bởi UNESCO là một nền tảng để Mỹ gây ảnh hưởng đối với nền dân chủ, giáo dục và nhân quyền ở những quốc gia có thái độ thù địch hay hoài nghi với sự liên quan trực tiếp của Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Fox News) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN