Không có chuyện muỗi trưởng thành bay hàng đàn sau khi phun thuốc

“Tất cả các đơn vị đã kiểm tra đánh giá thuốc phun muỗi ở Hà Nội là an toàn, hiệu quả”, đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định.

Clip lý giải vì sao phun thuốc xong, muỗi vẫn bay hàng đàn 

Chiều 25/8, Bộ Y tế tiếp tục có cuộc họp khẩn về tình hình dịch sốt xuất huyết. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu Hà Nội trả lời câu hỏi vì sao: “Vì sao phun thuốc xong, muỗi vẫn bay đầy nhà? Phun hoá chất diệt muỗi có thực sự hiệu quả?”. Tuy nhiên, để khách quan, lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã đề nghị các Viện nghiên cứu độc lập lý giải điều này.

Cả nước dùng chung một loại thuốc

TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, đơn vị nghiên cứu độc lập về hiệu quả của thuốc phun muỗi cho biết, kết quả giám sát của 3 tổ cán bộ của Viện về hoạt động phun muỗi trên địa bàn Hà Nội hiệu quả, muỗi bị tiêu diệt.

Không có chuyện muỗi trưởng thành bay hàng đàn sau khi phun thuốc - 1

TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương

Cụ thể: trong tuần từ ngày 14-21/8/2017, 3 tổ cán bộ đã đánh giá trước và sau phun thuốc diệt muỗi tại 3 phường của 3 quận ở Hà Nội.

Tại Quận Hoàng Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ chọn phường Thịnh Liệt. Đánh giá trước và sau phun muỗi, kết quả cho thấy, sau phun 24h giờ, muỗi trưởng thành không còn.

Tương tự, tại phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng), phường Khương Thượng (Đống Đa), muỗi trưởng thành cũng chết hết sau khi phun thuốc muỗi.

“Sau khi phun thuốc, muỗi bị tiêu diệt nhanh, hạ gục gọn, không có chuyện muỗi trưởng thành bay ra hàng đàn”, TS Dương khẳng định.

Cũng theo ông Dương, theo đánh giá sau phun thuốc muỗi, bọ gậy có giảm nhưng không hết bởi phun chỉ mang tính nhất thời, diệt thời gian ngắn.

Theo TS Dương, cái gốc ngăn chặn dịch là phải tiêu diệt loăng quăng bọ gậy.

“Vấn đề mang tính quyết định không phải là phun thuốc sẽ hết muỗi ngay mà là diệt loăng quăng, bọ gậy ở các gia đình”, ông Dương khẳng định.

Nhiều người băn khoăn về chất lượng thuốc, TS Dương khẳng định, Hà Nội đang sử dụng thuốc deltamethrine. Đây là thuốc được sử dụng giống như tất cả các tỉnh thành khác.

“Thuốc này đầu bảng, được WHO khuyến cáo sử dụng diệt muỗi. Tất cả các đơn vị đã kiểm tra đánh giá thuốc an toàn, kỹ lưỡng, hiệu quả trong những năm vừa qua nên được đưa vào sử dụng”, TS Dương cho hay.

Cũng theo ông Dương, hàng năm, Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Paster đều có đánh giá về hiệu quả của thuốc. Viện đã bắt muỗi và thấy hiệu lực diệt muỗi là 98%. Theo phân loại của WHO thì đây là hiệu lực tốt. Đối chiếu về hiệu quả diệt muỗi của Hà Nội thì thấy rằng muỗi trưởng thành đều chết trên 98%.

“Chúng ta hãy yên tâm sử dụng thuốc phun mũi theo khuyến cáo của WHO và theo những đánh giá độc lập của Viện”, TS. Trần Như Dương cho hay.

Tuy vậy, cũng theo ông Dương, cũng loại thuốc này mà cách phun khác nhau sẽ có hiệu quả khác nhau. Chẳng hạn, phun sương thì diệt ngay có thể kích thích và chết luôn. Nhưng nếu phun tồn lưu sẽ có hiệu lực kéo dài 1 vài tháng.

Đại diện Viện Sốt rét Ký sinh trùng cho biết, qua đánh giá giám sát, trước và sau phun thuốc muỗi thấy hiệu quả muỗi trưởng thành chết rất cao nhưng bọ gậy vẫn còn.

Kết quả khảo sát tại phường Thanh Xuân Nam và phường Khương Đình, quận Thanh Xuân chỉ phát hiện chỉ số mật độ 0,3 con muỗi/ một nhà trước phun và sau khi phun giảm xuống còn 0,7 con/một nhà. Bọ gậy, giảm từ từ 10% xuống 7% sau khi diệt.

Chưa thể kiểm soát được dịch

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Hà Nội đang đứng đầu cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, diễn biến dịch phức tạp, rất đáng lo ngại. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, dù số ca mắc có xu hướng chững lại nhưng chưa có dấu hiệu nào khẳng định là đã kiểm soát được dịch.

Không có chuyện muỗi trưởng thành bay hàng đàn sau khi phun thuốc - 2

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Thứ thưởng Bộ Y tế cho rằng, việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết mới chỉ nóng ở cấp thành phố chứ quận huyện thì chưa, phường thì bình chân như vại. Các hộ gia đình, nóc nhà, rãnh nước, các bãi đất trống... còn nhiều bọ gậy.

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Hà Nội phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn dịch bệnh. Bởi trong bối cảnh thời tiết mưa nhiều và hơn 1 triệu học sinh, sinh viên sắp nhập học, Hà Nội cần đảm bảo 100% trường học được phun thuốc diệt muỗi ít nhất 3 lần, không còn ổ bọ gậy, loăng quăng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng chất vấn Hà Nội về tính hiệu quả của các đội xung kích. Phải chăng đội xung kích tham gia diệt loăng quăng, bọ gậy chưa hiệu quả.

GS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cả nước đã ghi nhận trên 100 nghìn ca mắc SXH, hơn 84 nghìn trường hợp nhập viện. Số mắc SXH so với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 48%, tử vong tăng 9 trường hợp.

Tại Hà Nội, có gần 20.000 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong.

Theo Sở Y tế Hà Nội, số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện trên 2.300 trường hợp và có xu hướng giảm so với các tuần trước (tuần trước trung bình 2.700 bệnh nhân/ngày, tuần này trung bình 2.400 bệnh nhân/ngày).

Đang phun thuốc diệt muỗi, nữ cán bộ y tế Hà Nội bị đấm rách môi

Trong lúc đi phun hóa chất diệt muỗi chống sốt xuất huyết, nữ cán bộ trung tâm y tế bất ngờ bị một nam thanh niên đấm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN