Khi Cảnh sát Cơ động xuống đường chống ùn tắc...

Người dân và các phương tiện tham gia giao thông Thủ đô đã quen với sự có mặt của lực lượng CSCĐ...

Khi Cảnh sát Cơ động xuống đường chống ùn tắc... - 1

Cảnh sát cơ động phối hợp chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Ảnh: Người lao động

Những ngày gần đây, người dân và các phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã quen với sự có mặt của lực lượng CSCĐ phối hợp cùng CSGT và các lực lượng khác tham gia điều tiết, phân luồng giao thông. 

Hàng trăm CSCĐ luôn thường trực tại các tuyến đường, nút giao thông trọng điểm giúp các phương tiện tham gia giao thông thuận tiện hơn, ùn tắc giao thông vì thế cũng bớt nóng nhiều phần.

Chỉ trước đó chưa đầy chục ngày, tình trạng ùn tắc tại Hà Nội gần như lên đến đỉnh điểm. Người dân và các phương tiện thường xuyên phải chôn chân hàng giờ đồng hồ trên các tuyến đường ken kín người xe, khói bụi. Không chỉ vào các giờ cao điểm, ùn tắc xảy ra liên miên, bất kể giờ giấc. Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia phải có công điện yêu cầu hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP HCM khẩn trương có giải pháp khắc phục tình trạng này.

Trước tình thế đó, Hà Nội đã có những giải pháp được xem là quyết liệt và táo bạo nhất từ trước đến nay. Giám đốc CATP Hà Nội ban hành chỉ thị tăng cường 200 CSCĐ, CSTT và công an các phường trực tiếp xuống đường phân luồng giao thông cùng lực lượng CSGT.

Không chỉ tăng cường chống ùn tắc vào giờ cao điểm, các lực lượng này còn duy trì thực hiện nhiệm vụ gần như tất cả các giờ trong ngày, kể cả buổi trưa. Với sự nhiệt tình, năng nổ phân làn, chỉ dẫn giao thông của các lực lượng này, nhiều tuyến đường, nút giao như: Ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Tây Sơn - Chùa Bộc, cầu Chương Dương, Kim Mã - Cửa Nam, Xuân Thủy - Trần Thái Tông, Cầu Tó - Hà Đông... vốn là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông đã bớt nóng nhiều phần.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng rốt ráo triển khai nhiều giải pháp khá mạnh tay. Chẳng hạn như cương quyết yêu cầu các đơn vị thi công dự án trên địa bàn tháo dỡ rào chắn, lô cốt sai quy định hoặc chưa thi công, xén bớt cỏ để mở rộng làn đường. Cùng đó, Hà Nội cũng triển khai điều chỉnh tần suất xe buýt hoạt động vào giờ cao điểm tại một số tuyến Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến và Xuân Thủy - Cầu Giấy để giảm bớt áp lực giao thông.

Có thể thấy, dù đây chỉ là những giải pháp mang tính cấp bách, chưa thực sự căn cơ, lâu dài, nhưng điều đó cũng mang đến hiệu quả tức thì cho giao thông Hà Nội. Bức tranh giao thông của Thủ đô bắt đầu xuất hiện những mảng màu tươi sáng hơn, bớt đi những vẻ mặt u ám, mệt mỏi của người tham gia giao thông khi phải đứng chôn chân vì ùn tắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Thanh Oai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN