Hợp long toàn tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông

Sự kiện: Thời sự Tin ngắn

Phiến dầm cuối cùng trong tổng số 806 phiến dầm của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được lắp đặt thành công, hoàn thành giai đoạn quan trọng và khó khăn nhất của dự án.

Hợp long toàn tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông - 1

Sáng 8/10, phiến dầm cuối cùng của dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã được lắp đặt thành công.

Đúng 7 giờ sáng ngày 8/10, phiến dầm cuối cùng của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được lắp đặt thành công. Đây là phiến dầm cuối cùng rời khu đúc dầm Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) sau thời gian hơn 1 năm thi công. Việc lắp đặt thành công phiến dầm đánh dấu sự hợp long toàn tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội dài 13,5km.

Trao đổi với PV, ông Lê Kim Thành – Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) cho biết: “Ngày 8/10, phiến dầm cuối cùng của dự án đã được lắp đặt thành công. Đây là phần quan trọng nhất để tiến tới hoàn thành hạ tầng cho tàu chạy, cũng là những phần việc rất nặng nề trong quá trình thi công.”

“Những phiến dầm đã được lắp đặt có trọng lượng từ 150 – 240 tấn hầu hết được thi công vào ban đêm vì liên quan đến công tác vận chuyển của xe siêu trường siêu trọng và cẩu lắp dầm. Đến nay về cơ bản công đoạn lắp đặt các phiến dầm từ khu vực đầu nhà ga Cát Linh tới khu vực ga Yên Nghĩa được đảm bảo an toàn tuyệt đối.”

“Một vài điểm thi công lao lắp dầm vô cùng khó khăn như tại nút giao thông 4 tầng đường vành đai 3 – đường sắt Cát Linh – Hà Đông với độ cao nhất so với mặt đất tự nhiên là 18m, hay điểm ga Văn Khê với 3 lộ điện 220KV cao thế và 110KV… Chúng tôi đã phải thực hiện một quy trình thi công rất ngặt nghèo để đảm bảo an toàn giao thông và an toàn lưới điện” - ông Thành chia sẻ.

Tại buổi lễ hợp long, thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Giai đoạn thi công khó khăn nhất đã hoàn thành, trong những thời gian tiếp theo công việc hầu hết sẽ nằm trong khu vực nhà ga và tuyến đường sắt trên cao. Bộ Giao thông vận tải đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm nay sẽ hoàn thành việc xây lắp, hoàn thành tất cả các khối lượng bê tông, các nhà ga, đường dẫn. Bắt đầu từngày 1/1/2017, tổng thầu bắt đầu lắp đặt thiết bị, công tác này sẽ diễn ra trong 6 tháng.Từ ngày 1/7/2017, dự án sẽ đưa vào chạy tàu thử nghiệm và cuối tháng 9/2017 sẽ đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.”

Hợp long toàn tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông - 2

Việc lắp đặt thành công phiến dầm đánh dấu sự hợp long toàn tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội dài 13,5km.

Hợp long toàn tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông - 3

Từ đây, dự án đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn thi công ray tàu và chuẩn bị công tác lắp ráp thiết bị nhà ga, đoàn tàu.

Hợp long toàn tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông - 4

Từ ngày 1/7/2017, dự án sẽ đưa vào chạy tàu thử nghiệm và cuối tháng 9/2017 sẽ đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông bắt đầu tiến hành lao lắp dầm vào năm 2014, trên đoạn đường dài 13,5km có tổng số 806 phiến dầm. Có nhiều loại dầm được lao lắp cho phù hợp với từng vị trí cụ thể, trong đó loại dầm nhỏ nhất trọng lượng 136 tấn, dài 18m và loại lớn nhất nặng 236 tấn và dài 32m. Hoạt động thi công lao lắp dầm được thực hiện hoàn toàn vào ban đêm.

Dự án bao gồm các hạng mục xây dựng 13km đường sắt đi trên cao, 1,7km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1.435m, tốc độ tối đa 80km/giờ; trang bị 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23ha.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Việt Linh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN