Hành trình hiểm nguy của người Triều Tiên đào tẩu

Để đến được Hàn Quốc, người Triều Tiên đào tẩu phải giao phó số phận của mình cho những tay buôn người chuyên nghiệp với bao hiểm nguy rình rập.

Ngồi trong một chiếc taxi đậu bên cạnh dòng sông Áp Lục, biên giới giữa Trung Quốc với Triều Tiên, ông Lee lấy tay xoa cằm và kể lại câu chuyện đào tẩu của mình với một phóng viên CNN.

Hành trình hiểm nguy của người Triều Tiên đào tẩu - 1

Một trạm kiểm soát biên phòng Triều Tiên bên bờ sông Áp Lục

Người đàn ông Triều Tiên này trốn được sang Trung Quốc nhờ một băng nhóm buôn người chuyên nghiệp có biệt danh là “xà thủ”, những kẻ đã cung cấp thức ăn và quần áo cho ông khi vượt biên.

Lee trò chuyện bằng những câu đứt quãng: “Tôi từng là một người lính. Tôi đã phạm phải một sai lầm trong doanh trại và tôi buộc phải ra đi”.

Ông Lee không nói rõ ông đã làm điều gì trong doanh trại đến mức phải bỏ xứ mà đi, và cái tên “Lee” cũng không phải là tên thật, bởi ông còn phải bảo vệ mạng sống cho vợ con đang ở Triều Tiên. Chỉ biết rằng, ông đã phải giao phó số phận của mình cho những kẻ buôn người chuyên nghiệp, giống như hàng ngàn người đã đi trước ông.

Các quan chức Liên hợp quốc và các tay buôn người cho hay những người Triều Tiên đào tẩu thường phải đối mặt với một hành trình trốn chạy tới Hàn Quốc tị nạn vô cùng gian nan và nguy hiểm. Tuy nhiên, vượt biên vào Trung Quốc lại là phần dễ nhất trong cả hành trình đó.

Hành trình hiểm nguy của người Triều Tiên đào tẩu - 2

Lính biên phòng Triều Tiên

Lee nói: “Chúng tôi đều biết cách làm thế nào để thoát sang Trung Quốc. Rất nhiều người ở Triều Tiên biết điều đó”.

Mạng lưới ngầm dưới mặt đất

Trong nhiều năm trời, cả một mạng lưới ngầm dưới mặt đất đã được xây dựng để đưa những người như ông Lee vượt biên qua Trung Quốc.

Một số tổ chức hoạt động từ thiện Hàn Quốc từng vận hành một hệ thống đường ray ngầm để vận chuyển người Triều Tiên tới Đan Đông, thành phố biên giới của Trung Quốc nằm bên bờ sông Áp Lục. Tuy nhiên trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã siết chặt quản lý biên giới và giải tán những tổ chức này.

Giờ đây, những người đào tẩu phải phó thác số mệnh của mình cho những tay “xà thủ”.

Ông Jeremy Douglas, đại diện Văn phòng Chống Ma túy và Tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) nói: “Họ phải hoạt động trong bí mật, vì nếu họ vượt biên ra khỏi Triều Tiên và bị phát hiện, họ sẽ bị trục xuất về nước”.

Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn thực hiện chính sách trục xuất người Triều Tiên vượt biên về nước, bởi họ coi những người này là các đối tượng “nhập cư kinh tế bất hợp pháp”.

Hành trình hiểm nguy của người Triều Tiên đào tẩu - 3

Người Triều Tiên đào tẩu tưởng nhớ thân nhân đã khuất từ biên giới Hàn Quốc

Hồi tháng trước, 11 người Triều Tiên đào tẩu đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ khi đang tìm cách vào Myanmar, trong đó có một em bé mới chỉ 7 tuổi. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền Triều Tiên, một khi những người này bị trục xuất về nước, họ có thể phải chịu những hình phạt khắc nghiệt như bắt giam, cải tạo lao động, thậm chí là tử hình.

Vì chính sách này của Trung Quốc nên con đường tới được Hàn Quốc của những người đào tẩu này gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm.

Miền đất hứa

Ông Douglas nói: “Từ Triều Tiên, người ta phải dựa vào các đường dây buôn người để vượt biên bằng những tuyến đường đã được vạch sẵn. Một dòng người ổn định vẫn thường xuyên đào tẩu khỏi Triều Tiên bằng cách này”.

Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền, những người đào tẩu Triều Tiên thường đi thành từng nhóm nhỏ, thường xuyên đổi xe để đối phó với nhà chức trách Trung Quốc và sau đó tìm cách đến được biên giới với Lào. Việc đi lại bằng tàu hỏa hay máy bay là vô khả thi vì họ không có các giấy tờ thông hành cần thiết.

Hành trình hiểm nguy của người Triều Tiên đào tẩu - 4

Một người Triều Tiên đào tẩu thành công đến Hàn Quốc

Sau khi đến được Lào, họ sẽ tìm đường qua Thái Lan, “miền đất hứa” đối với những người Triều Tiên đào tẩu, bởi Thái Lan cho phép trao trả họ cho Hàn Quốc, vì hiến pháp Hàn Quốc coi toàn bộ người Triều Tiên đều là công dân nước mình.

Nhưng mọi chuyện chưa phải đã hết sau khi họ đến được Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc cấp cho họ một số vốn “khởi nghiệp” để giúp họ bắt đầu một cuộc sống mới. Thế nhưng nhiều người trong số họ đã phải trao hết số vốn này để trả công cho những “xà thủ” đã giúp họ đào tẩu, nếu không, họ sẽ trở thành nạn nhân của những băng đảng buôn người này.

Còn ông Lee mới chỉ ở giai đoạn đầu của hành trình dài đầy khó khăn này. Hiện ông đang được các “xà thủ” cung cấp thức ăn, quần áo trong khi chờ thời cơ trốn sang Lào, và ông hy vọng sẽ được đặt chân đến Seoul vào một ngày không xa, dù phải chịu bao hiểm nguy đi chăng nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Hà (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN