Hạn mặn, cá chết gây thiệt hại hơn 6.900 tỉ đồng

Báo cáo của Ban thường trực, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay: tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thủy sản chết bất thường ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung… đã gây thiệt hại khoảng 6.972 tỉ đồng.

21 tỉnh bị ảnh hưởng

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban phong trào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam báo cáo trong cuộc họp về tình hình thiệt hại và triển khai hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, hiện tượng thủy sản chết bất thường sáng 12-5, rằng: hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua.

Hạn mặn, cá chết gây thiệt hại hơn 6.900 tỉ đồng - 1

Bà Nguyễn Thị Thu Hà báo cáo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và thủy sản chết hàng loạt

“Hạn hán, xâm nhập mặn đã làm 424.099 hộ thiếu nước sinh hoạt; thiệt hại 248.288 ha lúa, 18.874 ha hoa màu, 53.814 ha cây ăn quả, 105.211 ha cây công nghiệp, 5.703 ha nuôi trồng thủy sản. Ước tính tổng thiệt hại: 6.392 tỉ đồng”, bà Hà nói.

Thủy sản chết bất thường tại miền Trung gây thiệt hại khoảng 580 tỉ đồng. Cụ thể: Tỉnh Hà Tĩnh, thiệt hại ước tính khoảng 260 tỉ đồng; Tỉnh Quảng Trị, ước thiệt hại: 134,91 tỉ đồng; Tỉnh Thừa Thiên-Huế, có 405 lồng cá nuôi của 111 hộ dân bị chết hoàn toàn thiệt hại khoảng 11 tỉ đồng; lượng cá chết toàn tỉnh khoảng 55 tấn.

Các thiệt hại của hoạt động đánh bắt thủy hải sản gần bờ, tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ nghề cá, du lịch chưa thống kê được; Tỉnh Quảng Bình, tổng thiệt hại ước tính là 175, 255 tỉ đồng, Thành phố Đà Nẵng, chưa báo cáo ước thiệt hại, nhưng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ.

Khó khăn còn kéo dài

Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: hạn hán, xâm nhập mặn và đặc biệt là thủy sản chết bất thường tại miền Trung sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhân dân tại các địa phương. “Những khó khăn này có thể kéo dài hơn nữa.”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Theo Ban thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ, các Bộ ngành trung ương cần phối hợp với các địa phương cần chỉ đạo khắc phục lâu dài về tình trạng hạn, hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt làm rõ nguyên nhân gây nên tình hình cá biển chết hàng loại vừa qua, sớm có biện pháp kiên quyết xử lý ô nhiễm môi trường bền vững.

Nghiên cứu, có phương án bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như môi trường biển trong khu vực bền vững hơn.

Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động báo chí, đảm bảo việc đưa tin chính xác, khách quan, đầy đủ các thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước và phản ánh đúng thực tế các hoạt động của từng địa phương để định hướng thông tin tuyên truyền dư luận nhằm ổn định tình hình; không để báo chí, mạng internet, mạng xã hội… đưa tin bài sai thực tế, thiếu chính xác, cắt gọt thông tin gây hoang mang trong nhân dân.

Thường xuyên theo dõi diễn biến xảy ra và tâm tư nguyện vọng của người dân các vùng ven biển, cửa sông. Tiếp tục tuyên truyền, có những hỗ trợ kịp thời để người dân yên tâm, không hoang mang làm ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống. Tổ chức thu gom, tiêu hủy cá chết để hạn chế ô nhiễm môi trường; vận động người dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức, để tránh ngộ độc do ăn phải cá chết.

Chủ động giải quyết điểm nóng có thể xảy ra trong thời gian tới, không để người dân bị kích động biểu tình, tập trung gây rối liên tỉnh, phá hoại bầu cử.

Theo số liệu từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến ngày 21-4, đã có 21 tỉnh chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó 15 tỉnh công bố thiên tai, gồm: Bến Tre, Bình Thuận, Cà Mau, Gia Lai, Kiên Giang, Kon Tum, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Đắc Lắc và Đắc Nông. Những ngày gần đây, tình hình cá chết bất thường hàng loạt xảy ra ở 6 tỉnh ven biển miền Trung:Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Thanh Hóa, gây thiệt hại lớn tài sản của nhân dân và nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống và tư tưởng của nhân dân. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo CHÂN LUẬN (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN