Hà Nội còn 23 điểm “đen” có nguy cơ ngập lụt khi mưa lớn

Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội vẫn còn 23 điểm thuộc địa bàn 12 quận, huyện có nguy cơ ngập lụt khi xảy ra mưa lớn, với lưu lượng trên 50mm trong vòng 2 tiếng.

Hà Nội còn 23 điểm “đen” có nguy cơ ngập lụt khi mưa lớn - 1

Nếu mưa lớn trong nhiều giờ liền, Hà Nội có khả năng xảy ra ngập lụt (ảnh minh họa).

Sau khi đi qua Quảng Ninh gây ngập lụt khiến 17 người thiệt mạng, 6 người mất tích, vùng áp thấp đang tiến sâu vào đất liền. Từ đêm 31.7, Thủ đô Hà Nội được dự báo có mưa to, với tổng lượng mưa trong 4 ngày khoảng 200mm.

Ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm 2015, UBND TP.Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội đã phê duyện dự án thoát nước trong thành phố khi xảy ra ngập lụt. Các công việc chuẩn bị, ứng phó với ngập lụt đã được triển khai xong trước 15.4.2015.

“Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 23 điểm thuộc địa bàn 12 quận, huyện ở Hà Nội có nguy cơ ngập lụt khi mưa lớn, với lưu lượng trên 50mm trong vòng 2 tiếng. Ví dụ ngã tư Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt…”, ông Sương nói.

Ông Sương cho biết thêm, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ đêm nay, miền Bắc sẽ có mưa lớn, trong đó Thủ đô Hà Nội có thể xảy ra ngập úng nếu mưa lớn kéo dài. Để chuẩn bị cho việc ứng phó, đơn vị đã cho công nhân rà soát lại tất cả các trạm bơm, khu vực có nguy cơ ngập lụt.

“Hiện nay, hơn 2.000 cán bộ, công nhân của công ty; 100 máy xe ô tô các loại (bao gồm xe hút bùn, xe có lắp máy bơm) đã sẵn sàng ứng phó khi có ngập lụt xảy ở các tuyến phố của Thủ đô. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi có thể tự tin về công tác ứng phó với các trường hợp xấu như ngập lụt”, ông Sương nói thêm.

Theo ông Sương, năm 2008, trận mưa lớn đã khiến Thủ đô Hà Nội bị ngập lụt trong nhiều ngày liền. Kể từ sau năm đó, công tác ứng phó với ngập lụt đã được nâng lên rõ rệt. Điển hình, trạm bơm Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) được nâng công suất lên gấp đôi (từ 45m3/giây nâng lên 90m3/giây) nhằm phục vụ cho việc thoát nước ở khu vực nội thành khi có ngập úng, mưa bão xảy ra.

Thêm nữa, đơn vị đã bổ sung các cọc chăng dây, lan can trên tuyến giao cắt giữa mương và đường giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi xảy ra ngập lụt.

“Với lượng mưa khoảng 50mm, trong vòng từ 30 phút đến 2 tiếng, chúng tôi có thể tự tin đảm bảo rằng giao thông ở các tuyến đường sẽ được thông suốt. Còn nếu lượng mưa trên 50mm kéo dài trong nhiều giờ, thì khả năng một số điểm ngập úng sẽ cao. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm hết sức, đảm bảo việc ngập úng không xảy ra làm ảnh hưởng sinh hoạt của người dân”, ông Sương cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN