"Hà Nội chưa bao giờ tìm ra Đàn Xã Tắc"

"Ở Ô Chợ Dừa không có Đàn Xã Tắc" - Đó là ý kiến của GS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Viện phó Viện Khảo cổ học.

LTS: Trong lúc các nhà quản lý và khoa học tranh cãi việc xây cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa (Hà Nội) có thể ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc thì lại có ý kiến cho rằng, Hà Nội chưa bao giờ tìm ra Đàn Xã Tắc. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của GS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Viện phó Viện Khảo cổ học. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và quý độc giả về vấn đề này.

Không có căn cứ Đàn Xã Tắc

Phương án xây cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa đang tạo ra những ý kiến trái chiều do lo ngại ảnh hưởng đến di tich Đàn Xã Tắc. Nhưng GS Nguyễn Văn Hảo lại khẳng định: "Tại Ô Chợ Dừa không có Đàn Xã Tắc!".

Để chứng minh điều này, ông Hảo nhắc lại thời điểm năm 2007, khi thi công đường Xã Đàn (Kim Liên mới), các cơ quan chức năng phát hiện có di tích. Sau đó, công trình giao thông phải tạm dừng để khoanh vùng mở hố khai quật, tìm vết tích của Đàn Xã Tắc.

Nhưng dấu vết kiến trúc trong hố khai quật ấy không có một đặc điểm nào của Đàn Xã Tắc. Có hai vết tích xây dựng, một của thời Lý, một của thời Lê. Dấu tích của hai lớp này lại hoàn toàn giống nhau. Giống nhau về hình dáng kiến trúc, về vật liệu kiến trúc... và cùng không phải là bề mặt của Đàn Xã Tắc. Bởi bề mặt của Đàn Xã Tắc phải là gò đất cao, bên trên là đất 5 màu, nhưng trong khi tìm thấy 4 nền gạch, diện tích của mỗi cái nền quá nhỏ so với Đàn Xã Tắc.

Cụ thể hơn, dấu tích của bề mặt xây dựng thời Lê, lộ ra 3 cái nền ở gần nhau: 1 nền hình vuông (rộng gần 7m2), 1 nền chưa làm lộ hết (rộng gần 5m2), 1 nền hình chữ nhật (rộng trên 15m2). Trong cùng một mặt bằng xây dựng của một thời kỳ (thời Lê) lại có tới 3 cái "Đàn Xã Tắc" liền kề nhau thì thật là vô lý.

"Hà Nội chưa bao giờ tìm ra Đàn Xã Tắc" - 1

GS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Viện phó Viện Khảo cổ học

Trong trường hợp độ sâu của các lớp đất không có ý nghĩa trong việc xác định niên đại, người ta có thể căn cứ vào các vật liệu tìm thấy được ở đó. Nhưng hình dáng kiến trúc của các hiện vật tìm thấy, so với cấu trúc của Đàn Xã Tắc, không có chứng tích nào thể hiện đặc điểm của Đàn Xã Tắc.

Theo ông Hảo, đây chỉ là dấu vết kiến trúc nào đó có niên đại thời Lý, không thể nói là Đàn Xã Tắc.

“Nhà khoa học khi nói phải có cơ sở, không phải rằng cứ khoác lên mình chiếc áo 'khoa học' rồi nói gì cũng bắt người khác phải nghe. Đã không đưa ra cơ sở khẳng định ở Ô Chợ Dừa có Đàn Xã Tắc thì không thể “đè” ra nói đây là Đàn Xã Tắc được”, ông Hảo nói.

Bên dưới tấm bia đá ở Ô Chợ Dừa không phải là Đàn Xã Tắc, có nó chỉ có ý nghĩa “nhắc nhở” ở phía Tây Nam Thủ đô có Đàn Xã Tắc.

Không lẽ, cứ đụng di tích là dừng?


GS Nguyễn Văn Hảo cho rằng, nước ta và một số nước châu Á khác có bề dày lịch sử luôn vướng vào những cuộc tranh cãi về vấn đề bảo tồn di tích lịch sử và phát triển xã hội. Ông Hảo lưu ý, bảo vệ di tích cũng là vì người đang sống, xây dựng công trình phát triển cũng là vì người đang sống.

“Hà Nội nghìn năm lịch sử có rất nhiều di tích, có thể nói là đào chỗ nào cũng dễ có những vết tích triều đại cũ, không lẽ cứ chọc chỗ này bảo vệ, chỗ kia bảo vệ, làm sao phát triển xã hội. Nên chắt lọc để bảo vệ cái nào, không bảo vệ cái nào?!”.

"Hà Nội chưa bao giờ tìm ra Đàn Xã Tắc" - 2

Nút giao Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng (qua Đàn Xã Tắc)

Ông Hảo lấy ví dụ về công trình đường giao thông đoạn đường Hoàng Hoa Thám (gần ngã cắt với phố Văn Cao). Năm 2010, công trình này phải dừng vì nhiều ý kiến trái chiều nghi vấn phá hỏng một đoạn thành thuộc di tích Hoàng thành Thăng Long. Kết quả công trình phục vụ dân sinh chậm tiến độ vì các nhà khảo cổ học vào cuộc khảo sát, lùng tìm dấu vết di tích.

Từ bài học đó, theo ông Hảo, nếu vì nhu cầu bức bách, công trình bắt buộc phải làm thì có biện pháp phải bảo tồn theo cách khác, không bảo tồn tại chỗ được (giữ gìn hiện vật ngay tại thực địa). Đó là khai quật, rồi dùng hình ảnh, các bản vẽ, các báo cáo để bảo tồn để phục vụ những người nghiên cứu sau này. Rõ ràng là có hai cách bảo tồn chứ không phải chỉ duy nhất một cách bảo tồn tại chỗ.

Trở lại việc xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc gây tranh cãi gần đây, ông Hảo cho rằng, chúng ta đang rơi vào cuộc tranh luận vu vơ.

“Rõ ràng, cần hài hòa giữa phát triển xã hội và bảo vệ di tích. Nhưng hãy chỉ cho tôi chính xác Đàn Xã Tắc ở đâu để bảo vệ? Nếu không chỉ ra được, làm sao bắt người ta phải dừng công trình giao thông vì một thứ chưa tìm ra. Làm khoa học phải rõ ràng, không thể dựa vào cảm nhận”, nguyên Viện phó Viện Khảo cổ học ủng hộ xây cầu vượt qua ngã năm Ô Chợ Dừa.

Hà Nội đồng ý xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc

Trao đổi với PV chiều 24/4, ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đồng ý phương án xây cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa).

Phương án được chọn là phương án 2, làm cầu vượt dầm thép thiết kế theo hướng Vành đai I (Xã Đàn - Hoàng Cầu) có chiều dài 632m, rộng 14,5 m với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 776 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp là 451 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng và thu hồi 549m2 đất của 51 chủ sử dụng là 33,3 tỷ đồng…

Trước đó, đầu tháng 4/2013, ngay sau khi phương án xây cầu vượt qua khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa được công bố, đã có nhiều ý kiến không đồng tình với dự án này do lo ngại ảnh hưởng đến Đàn Xã Tắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Hà Nội xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN