Giông lốc đổ 1.300 cây: Hà Nội trồng cây không phù hợp?

Cây tán rộng, rễ ăn nổi hoặc do sửa đường chặt bớt rễ cây... có thể là nguyên nhân làm 1.300 cây xanh gãy đổ sau 30 phút giông lốc.

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội sau cơn giông lốc chiều 13.6 cho thấy, hơn 1.290 cây xanh bị đổ, trong đó hơn 800 cây xanh bị đổ ở khu vực các quận nội thành. Có 34 cây xà cừ cổ thụ bị bật gốc, gãy, đường kính từ 50-150cm, còn lại chủ yếu là cây muồng, phượng, bằng lăng...

Giông lốc đổ 1.300 cây: Hà Nội trồng cây không phù hợp? - 1

Cây đổ thường là cây rễ chùm, không ăn sâu xuống đất và có tán lá rộng (Ảnh Hồng Phú) 

Giáo sư Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam cho rằng, với cơn gió lốc mạnh vừa qua, khó tránh khỏi chuyện cây xanh bị bật gốc.

Tuy vậy, Giáo sư cũng chỉ ra cây đổ thường là cây rễ chùm, không ăn sâu xuống đất và có tán lá rộng. Những cây có đặc điểm như vậy không nên trồng ở đô thị như Hà Nội. Thay vào đó, chỉ trồng cây tán nhỏ, rễ cây ăn sâu chịu được gió bão. Ngoài ra, tính toán mối quan hệ hài hòa với nhà ở để “nhà che chắn cây, cây che chắn nhà”.

Ngay tại thời điểm này, Giáo sư chưa đưa ra lời khuyên nên trồng cây gì, vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thổ nhưỡng, hoặc đặc điểm từng đoạn đường.

“Qua trận cuồng phong cho thấy cây xanh cũng có những lúc gây tác hại, nhất là khi giông bão về. Hà Nội cần thiết phải nghiên cứu, có sự tham gia của nhà khoa học để chọn cây phù hợp, giảm thiểu hưởng đến con người, người nhà cửa khi gió lốc” Giáo sư Đặng Huy Huỳnh chia sẻ.

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội về cây đổ chỉ mới sơ bộ, chưa nói rõ cụ thể tình trạng phát triển, đặc điểm cây, tuổi thọ bao nhiêu, trồng ở đâu... Do vậy, các nhà khoa học chưa thể có ý kiến một cách cụ thể, chính xác về hiện tượng cây đổ trên.

Tuy nhiên, Giáo sư chỉ ra một trong những nguyên nhân là cây đổ thường gặp ở đô thị như Hà Nội xuất phát từ việc sửa đường phố, vỉa hè. Khi đó, người ta chặt bớt rễ cây, có chỗ nước ngập sâu, chỉ còn rễ nổi nên gặp gió to là đổ.

Một đặc điểm khác, gió lốc trong thành phố với nhiều nhà cao tầng nên gió thổi theo luồng rất mạnh nên cây yếu dễ đổ. Đây là một yếu tố cần phải tính đến khi trồng cây.

Ông nêu kinh nghiệm, các cây cổ thụ trên đường phố Hà Nội do người Pháp trồng trước đây ít khi đổ bởi họ tính toán rất kỹ, trồng thử ở vườn Bách Thảo, thấy phù hợp mới đưa ra đường phố trồng.

Tiến sĩ về cây trồng đô thị, ông Đặng Văn Hà nêu đặc điểm của vỉa hè Hà Nội khá hẹp, trong đường phố thì bị lu lèn chặt, cây rễ sâu chưa chắc ăn xuống được nên nhiều cây rễ ăn nổi, cộng với tán cây to dễ đổ khi gió mạnh.

Ông cũng cho rằng, thông thường đơn vị làm đường và công ty trồng cây xanh đô thị không phối hợp với nhau, mạnh ai lấy làm, nhiều khi vì làm đường cắt hết cả rễ cây. Hoặc khi làm đường, lu lén chặt đến tận gốc cây, làm rễ cây không ăn sâu được... nên ảnh hưởng phát triển đến cây xanh.

Do vậy, Tến sỹ Đặng Văn Hà cho rằng, cần có nghiên cứu chọn cây trồng phù hợp và quy trình trồng cây, chăm sóc, cắt tỉa đúng kỹ thuật đối với cây xanh đô thị để giảm thiểu tối đa rủi ro khi có gió mạnh.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Giông lốc khủng khiếp tại Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN