“Giành” nhau cấp mã số công dân: Hiểu nhầm

Bộ Công An làm một hệ thống mã số công dân riêng, Bộ Tư pháp cũng làm riêng... chỉ là hiểu nhầm.

Tại cuộc họp báo chính phủ chiều tối 29/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trao đổi với PV xung quanh chuyện cấp mã số định danh công dân và hai bộ “giành” cấp mã số.

Trước đó, Bộ Tư pháp đề xuất mỗi người dân đều có mã số định danh vào năm 2020. Số định danh công dân là số duy nhất để truy nguyên công dân trong tất cả các ngành, lĩnh vực, công dân chỉ cần duy nhất một số là số định danh. Đây là cơ sở để các ngành kết nối, khai thác sử dụng thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ quản lý ngành.

Bộ Công an xây dựng đề án liên quan đến quản lý dân cư nhưng lại trùng Bộ Tư pháp về quan điểm xây dựng mã số công dân. Đề án của Bộ Tư pháp cũng một phần trên cơ sở dữ liệu của Bộ Công an và với mục tiêu sử dụng mã số định danh để thay thế mọi giấy tờ tùy thân. Việc trùng nhau này có thể dẫn đến lãng phí, tốn kém ngân sách.

“Giành” nhau cấp mã số công dân: Hiểu nhầm - 1

Bộ trưởng Vũ Đức Đam

Trước thông tin này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, quan điểm của Chính phủ hướng tới xây dựng một hệ thống mã số định danh. Điều quan trọng là tiến tới chúng ta phải xây dựng được một hệ thống mã chung, để mỗi người sinh ra có một mã số của mình.

Hệ thống này không chỉ đơn thuần liên quan đến dân cư. Ví dụ, mã số không chỉ liên quan đến công dân, mà còn liên quan đến cả mã số điện thoại, mã biển số xe, chứng minh thư nhân dân, sau này có thẻ tín dụng... tất cả chỉ một mã số.

Theo ông Đam, mã số định danh là để quản lý toàn diện mỗi công dân, từ khi sinh ra đến quá trình trưởng thành, phát sinh các giao dịch dân sự và cho tới khi chết. Hệ thống số cũng không đơn thuần chỉ là liên quan đến Bộ Công an và Bộ Tư pháp. Đây là hệ thống phải dùng chung, tất cả các bộ ngành, cơ quan chức năng phải cùng làm, cùng sử dụng.

Ví dụ, ngay khi đứa trẻ chào đời, người y tá, hộ sinh đã có thể lập tức có những thông tin ban đầu cháu bé có sức khỏe bình thường không, nhóm máu gì… như vậy là liên quan đến ngành Y tế. Sau này khi cháu bé đi học, sẽ liên quan đến nhà trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo...

“Có một số việc hay do một số phát ngôn cụ thể đã dẫn tới sự hiểu nhầm là Bộ Công an làm một hệ thống riêng, Bộ Tư pháp làm một hệ thống riêng. Tôi khẳng định là Chính phủ không chỉ đạo như vậy, và hiện nay các bộ cũng không làm như vậy”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, tiến tới khi thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, ký các hợp đồng... cũng dựa trên hệ thống này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN