Giám đốc Sở GTVT giải thích chuyện “HN cấm xe máy chứ không cấm mua”

Sự kiện: Thời sự

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã có chia sẻ liên quan đến phát ngôn “Hà Nội chỉ cấm đi xe máy chứ không cấm mua xe máy”.

Giám đốc Sở GTVT giải thích chuyện “HN cấm xe máy chứ không cấm mua” - 1

 Hà Nội dự kiến sẽ cấm phương tiện cá nhân vào năm 2030

Trong buổi gặp gỡ báo chí vào cuối tháng 6 vừa qua, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện có chia sẻ liên quan đến đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2017-2030”.

Tại buổi chia sẻ ông Viện nói rằng: “Hà Nội chỉ cấm đi xe máy chứ không cấm mua xe máy”. Tuy nhiên, sau đó, nhiều người dân có ý kiến trái chiều liên quan đến nội dung này.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội làm rõ hơn nội dung này.

Thưa ông, theo lộ trình, Hà Nội sẽ bắt đầu cấm xe máy tại khu vực nội thành từ năm 2030. Vậy, thời điểm này người dân sẽ di chuyển từ khu vực cấm ra khu vực ngoại thành như thế nào?

Trước hết, việc mua sắm, sở hữu là quyền của người dân, không thể cấm. Bởi vậy, chúng tôi chỉ cấm người dân sử dụng phương tiện cá nhân ở các tuyến đường cấm. Còn ở các khu vực khác không cấm người dân vẫn di chuyển bình thường.

Khi cấm phương tiện cá nhân (xe máy) vào các tuyến phố cấm, người dân sẽ di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. Tại các điểm vào khu vực cấm đều có gắn biển báo kết nối giao thông cá nhân và giao thông công cộng.

Hà Nội sẽ xây dựng các bãi đỗ xe tĩnh tại điểm đầu, cuối của tuyến phố cấm hoặc những nơi gần với tuyến phố cấm nhất. Người dân di chuyển vào tuyến phố cấm sẽ gửi xe ở các bãi xe này, sau đó di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng.

Và ngược lại, người dân di chuyển từ tuyến phố cấm ra ngoại thành sẽ đi phương tiện giao thông công cộng, sau đó ra khu vực bãi đỗ xe lấy xe và đi sang các tuyến phố không bị cấm. Tất nhiên, người dân sẽ phải mất chi phí gửi xe hàng tháng ở các bãi gửi xe này.

Vậy Hà Nội dự tính sẽ xây dựng bao nhiêu bãi đỗ xe để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân?

Chúng tôi đang tính toán và xây dựng các bãi đỗ xe. Phương châm đặt ra đáp ứng đủ nhu cầu của người, đảm bảo việc kết nối với giao thông công cộng một cách tốt nhất.

Tôi tin rằng đến giai 2030, không ai ở trong nội thành giữ xe máy làm gì cả. Bởi vì nhu cầu sử dụng xe máy sẽ rất ít. Tất nhiên cũng có người yêu thích xe máy thì lúc đó họ có thể gửi ở các bãi gửi xe ở ngoại thành và sau đó đi về quê hoặc đi chơi đâu đó.

Với những tuyến phố hẹp, phương tiện giao thông công cộng không vào được, người dân sẽ đi bằng gì thưa ông?

Hà Nội đặt ra mục tiêu 80% đáp ứng nhu cầu kết nối với người tham gia giao thông dưới 500m, 20% còn lại với người dân trong ngõ có thể đi bộ, đi bằng xe đạp. Do vậy, tại các con ngõ hẹp, người dân có thể đi bộ hoặc thuê xe đạp.  

Hà Nội có trợ giá hay hỗ trợ người dân khi mà họ từ bỏ phương tiện cá nhân chuyển sang đi phương tiện giao thông công cộng thưa ông?

Nội dung này chúng tôi đang cân nhắc và nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, nếu người dân không dùng xe máy nữa sẽ đưa về các tỉnh dùng làm phương tiện đi lại, buôn bán. Hoặc người dân có thể cho tặng nhau.

Chúng tôi đặt ra một lộ trình rất dài để người dân tự thấu được việc có cần thiết phải mua thêm xe máy không, sao cho phù hợp. Tôi nghĩ rằng, khi phương tiện giao thông công cộng tốt rồi thì không người dân nào bỏ tiền ra mua thêm xe máy làm gì cho tốn kinh phí.

Giám đốc Sở GTVT giải thích chuyện “HN cấm xe máy chứ không cấm mua” - 2

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội 

Đến năm 2030 những tuyến phố nào sẽ bắt đầu cấm xe máy thưa ông?

Trong đề án có nêu rất rõ là sẽ mở rộng vùng hạn chế xe máy để phù hợp với hạ tầng, kết cấu giao thông và năng lực vận tải hành khách công cộng. Hiện chúng tôi đang xây dựng bản chi tiết mở rộng các tuyến đường cấm xe máy.

Hà Nội đã có phương án mở rộng, nâng cao hệ thống giao thông công cộng như thế nào để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân khi cấm xe máy?

Đến năm 2025, Hà Nội cơ bản đầu tư xong hạ tầng khung như các tuyến đường vành đai, xuyên tâm, 8 tuyến đường sắt đô thị. Thời điểm này, dự kiến phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội phải đáp ứng được  30-40% nhu cầu đi lại của nhân dân.

Hiện tại, lượng ô tô trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 500 nghìn xe và xe máy trên 5 triệu chiếc. Điều này khiến ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. 

Xin cám ơn ông!

HN: Hơn 90% người dân đồng ý cấm xe máy trong nội đô

Kết quả khảo sát của UBND TP Hà Nội cho thấy, tỷ lệ ủng hộ phương án hạn chế phương tiện cá nhân khá cao, trên 90,35%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN