Giải Nobel Hóa học 2014 cho kính hiển vi siêu nét

Công trình nghiên cứu về kính hiển vi huỳnh quang siêu nét giúp 3 nhà khoa học đoạt giải Nobel hóa học.

Ngày 8/10, giải Nobel về Hóa học năm 2014 đã được trao cho 2 nhà khoa học người Mỹ và một chuyên gia nghiên cứu người Đức vì những công trình mang tính cách mạng của họ vượt qua giới hạn của kính hiển vi quang học truyền thống.

Giải Nobel Hóa học 2014 cho kính hiển vi siêu nét - 1

Lễ công bố giải Nobel Hóa học năm 2014

Trước khi nhà khoa học Eric Betzig (Viện Y học Howard Hughes), Stefan Hell (Viện Hóa Sinh học Max Planck – Đức) và William E. Moerner (Đại học Stanford) phát minh ra kính hiển vi huỳnh quang siêu nét, các nhà khoa học chỉ có thể quan sát các vật thể kích cỡ vi khuẩn dưới dạng những chấm nhỏ không hình dạng cụ thể.

Kính hiển vi điện tử có thể giúp họ quan sát được kỹ hơn, nhưng buộc họ phải cắt hoặc xử lý đối tượng trước khi quan sát, đồng nghĩa với việc họ sẽ không nhìn được các sinh vật chuyển động bằng kính hiển vi điện tử.

Tuy nhiên, với công trình kính hiển vi huỳnh quang siêu nét được trao giải Nobel năm nay của 3 nhà khoa học trên, giờ đây chúng ta có thể quan sát mọi thứ, từ hoạt động chuyển hóa AND cho đến những thay đổi của các tế bào thần kinh.

Giải Nobel Hóa học 2014 cho kính hiển vi siêu nét - 2

Công trình nghiên cứu của họ đã tạo nên cuộc cách mạng về kính hiển vi

Trước đây, các nhà khoa học tin rằng tất cả các loại kính hiển vi quang học không thể vượt qua được giới hạn 0,2 micromet, tương đương với nửa bước sóng ánh sáng.

Các nhà khoa học đoạt giải Nobel hóa học năm nay đã chứng minh được rằng quan niệm đó là sai lầm. Nhờ công trình của họ, kính hiển vi quang học giờ đây đã có thể soi được vào thế giới nano.

Với công trình này, giờ đây các nhà khoa học có thể nhìn thấy quá trình phân chia của trứng, hay theo dõi các protein liên quan đến căn bệnh thần kinh Alzheimer hoặc Parkinson.

Giải Nobel Hóa học 2014 cho kính hiển vi siêu nét - 3

Các nhà khoa học được trao giải Nobel Hóa học năm 2014

Ba nhà khoa học đã sử dụng 2 chùm sáng laser để khiến các phân tử phát sáng hoặc tắt dưới kính hiển vi tùy theo ý muốn của nhà nghiên cứu, từ đó thu được những bức ảnh có độ phân giải cao của các phân tử cực nhỏ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nobel Sven Lidin, nhờ phát hiện về kính hiển vi huỳnh quang siêu nét của 3 nhà khoa học này, giờ đây tế bào có thể được nghiên cứu kỹ hơn, và ranh giới giữa hóa học với sinh học cũng ngày càng mờ đi.

Giải Nobel Hóa học năm ngoái được trao cho 3 nhà khoa học vì công trình nghiên cứu lập trình máy tính để có thể mô phỏng và dự đoán kết quả của các phản ứng hóa học vô cùng phức tạp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo WP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN