Giải mã truyền thuyết về thác nước thần

Người dân Tân Sơn (xã Văn Luông, Tân Sơn – Phú Thọ) truyền tai nhau rằng, thác nước là nơi trẫm mình của ông Tùng và bà Tà vì không giữ đạo hiếu với bố mẹ.

Giai thoại ông Tùng bà Tà

Đến Văn Luông vào những ngày đầu tháng 6, ngay trước mắt chúng tôi là những đồi cọ xen lẫn đồi chè, xanh một màu mướt mát. Từ trung tâm xã Văn Luông để đến được thác nước ông Tùng, bà Tà, chúng tôi phải trải qua một đoạn đường khá khó đi. Mặc dù không quá xa nhưng để đến được đây, chúng tôi phải mất tới 1h đồng hồ mới được mục sở thị thác nước.

Chúng tôi đến thôn Đồng Chùa, nơi có thác nước ông Tùng bà Tà để tìm hiểu những giai thoại huyền bí này. Thấy có khách lạ đến tìm hiểu về dòng thác, rất nhiều người cao tuổi trong thôn đã kể lại cho chúng tôi những câu chuyện xung quanh thác nước và cũng giải thích tại sao thác nước này lại được gọi với cái tên như vậy.

Giải mã truyền thuyết về thác nước thần - 1

Đường vào thác nước

Chúng tôi tìm đến nhà của hai vợ chồng cụ Hà Văn Nghệ và cụ Hà Thị Lênh. Năm nay, cụ ông đã 91 tuổi, cụ bà 82 tuổi, tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về thác nước ông Tùng bà Tà, cả 2 đều cho biết: “Ngày bé, đã rất nhiều lần chúng tôi có hỏi những người trong thôn sao lại gọi là thác ông Tùng bà Tà. Các cụ cao niên có nói rằng, truyền thuyết về thác nước đã có từ lâu lắm rồi, dễ phải đến ngàn năm”.

Theo cụ Hà Văn Nghệ, việc người dân gọi thác nước là ông Tùng bà Tà là do trước đây ở thôn Đồng Chùa có một gia đình người Mường rất giàu có nhưng chỉ có một người con trai duy nhất tên là Tùng. Từ lúc mới sinh ra, người con trai này đã khác hẳn với những đứa trẻ ở trong thôn bản. Thân hình to lớn gấp 2, 3 lần so với người thường. Do vậy, từ ăn uống đến công việc, ông Tùng cũng làm hơn nhiều người khác cộng lại. Cũng theo cụ Nghệ, tiếng Mường: Tùng, Tà có nghĩa là khổng lồ.

Ngày ấy khu vực Văn Luông, Đồng Bằng, Đồng Xoăn, Xuân Đài chỉ có thác nước duy nhất là Thác Đài, chính vì thế việc canh tác nông nghiệp ở đây luôn gặp rất nhiều khó khăn. Thấy được điều đó, ông Tùng và người vợ của mình đó là bà Tà đã tự tay đắp những con đập cao hàng trăm thước nhằm giữ nước cho bà con thôn bản. Ngày nay, dãy đá vôi kéo dài từ xã Văn Luông đến tận Xuân Đài được người dân cho rằng đây chính là con đập do chính tay ông Tùng, bà Tà đắp mà có được. Thế nhưng, việc đắp đập dẫn nước về cho dân bản của vợ chồng ông đã không thành hiện thực là do ông Tùng, bà Tà đã trẫm mình xuống thác nước để tự vẫn.

Nói về việc này, người dân ở đây lý giải: Do ông Tùng ngày ngày đắp đập, trông coi ruộng đồng cho dân bản, trong khi đó cha mẹ lại già không có thời gian chăm sóc nên cha mẹ ông Tùng có phần tủi thân. Một ngày hè, thấy ông Tùng về, cha mẹ có mắng chửi vài lời. Để bảo vệ quan điểm của mình, giữa ông và cha mẹ đã xảy ra mâu thuẫn. Sau hồi tranh cãi đó, nghĩ mình cãi lại cha mẹ là sai, ông Tùng đã đi thẳng lên thác nước Thác Đải rồi nhảy xuống đó với ý nghĩ sẽ gột rửa được những lời mà ông đã cãi lại cha mẹ. Thấy chồng nhảy xuống đó, bà Tà cũng trẫm mình xuống theo.

Giải mã truyền thuyết về thác nước thần - 2

Phiến đá nơi ông Tùng, bà Tà trẫm mình xuống nước (!?)

Truyền kỳ về một dòng thác

Cái chết bi thương của ông Tùng, bà Tà đã khiến cho bà con trong toàn vùng thương xót, bởi công lao của ông với người dân ở đây lớn như trời bể. Để tưởng nhớ, họ đã đặt bát hương thờ cúng vợ chồng ông bà ngay chỗ 2 người nhảy xuống tự vẫn.

Để minh chứng một cách rõ ràng nhất về truyền thuyết của thác nước này, chúng tôi đã được anh Hà Văn Viên trưởng khu Mành (thôn Đồng Chùa - PV) dẫn đến tận nơi. Là người dân của địa phương và cũng rất nhiều lần anh Viên cùng những thanh niên trong xóm thử lặn xuống dưới thác nước (nơi ông Tùng, bà Tà trầm mình) để xem chỗ đó nông sâu ra sao nhưng anh chưa bao giờ đạt được nguyện vọng đó dù cho anh Viên có thể nín thở được đến gần 3 phút. Anh Viên cũng cho biết, hiện tại ở đây có đôi cá Chầy Đắt to bằng bắp đùi người lớn nhưng không ai dám bắt vì họ cho rằng đôi cá này chính là hiện thân của vợ chồng ông Tùng, bà Tà và không phải ai cũng nhìn thấy được đôi cá thần này.

Ngoài ra một điều rất khó lý giải với người dân ở khu vực này đó chính là nếu trời hạn hán lâu ngày không có mưa, đất đai cây cối khô héo, người dân trong vùng lại dùng lá cây Cơi, đập nát sau đó hòa cùng với đất bỏ xuống thác nước ông Tùng, bà Tà (người dân ở đây thường gọi là “duốc cá”). Điều kỳ diệu chỉ vài giờ sau là trời đổ mưa. Cũng theo cụ Nghệ, mỗi lần làm như thế, đàn cá ở dưới vụng nước đều ngoi lên mặt nước, thậm chí nhảy hẳn lên bờ, nhiều khả năng là chúng bị cay mắt do lá cây Cơi. Còn việc tại sao trời lại mưa sau mỗi lần “duốc cá”, chỉ có thể giải thích là một sự tình cờ ngẫu nhiên.

Anh Viên cũng kể, cách đây 3 năm có một đại gia đến khu vực thác ông Tùng, bà Tà mua đất để dựng trang trại. Hàng tháng trời họ thuê người dân địa phương lên dựng lán, sửa sang đất đồi để dựng nhà. Thế nhưng chỉ được một thời gian, đám thợ làm cho gia đình này đồng loạt nghỉ việc mặc dù tiền công rất cao. Những người thân trong gia đình đó liên tiếp gặp tai ương mà không rõ nguyên nhân. Thấy điều bất thường, họ mới tỏa đi xem bói. Đi nhiều nơi, ở đâu họ cũng nhận được câu trả lời khu vực này chỉ dùng để thờ cúng chứ không được dùng để ở. Nếu tiếp tục ở đây, gia đình sẽ gặp nhiều tai ương, thậm chí chết người. Thấy vậy, gia đình đó đành phải bỏ lại khu đất đó và không có ý định quay lại đây nữa.

Những câu chuyện huyễn hoặc về thác nước ông Tùng bà Tà ngàn năm qua vẫn lưu truyền qua nhiều thế hệ như một mạch nguồn của văn hóa dân gian hiện hữu trong đời thực. Tuy nhiên, những câu chuyện này cũng rất cần được các giới chức năng, cơ quan chuyên môn lý giải dưới góc độ khoa học để tránh những lời thêu dệt, đồn thổi mang tính mê tín dị đoan trong đời sống cộng đồng.

Tất cả chỉ là truyền thuyết

Trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Liên, Chủ tịch xã Văn Luông cho biết: Truyền thuyết về ông Tùng bà Tà những câu chuyện lịch sử và đến này chưa ai xác minh được. Tuy nhiên, tôi khẳng định là những vụ việc mang tính tâm linh như hai con cá Chầy Đắt là do ông Tùng bà Tà hóa thân, hay câu chuyện thầy bói xem cho đại gia về chỗ “ngụ” của thần linh là câu chuyện thêu dệt. Có thể những người nào đó muôn lưu giữ thác nước nên kể ra để người dân không ai dám xâm phạm. Còn việc cứ mỗi khi hạn hán, người dân dùng lá cây Cơi thả xuống thác ông Tùng bà Tà thì trời đổ mưa là việc ngẫu nhiên, trùng hợp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Bắc – Long Nguyễn (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN