Giải mã hai tháp cao vút ở hai đầu Sài Gòn

Sự kiện: Tin ngắn

Tháp gần cầu Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, đã được xây từ năm 1966. Tháp còn lại ở gần cầu Tham Lương, quận Tân Bình, xây năm 2004.

Ai đi qua khu vực cửa ngõ phía Đông và phía Bắc TP.HCM đều có thể dễ dàng nhìn thấy hai cái tháp cao vút, suông đuột, khác lạ so với những công trình khác. Song rất ít ai biết tên của hai công trình này.

Tháp ở cửa ngõ phía Đông nằm gần cầu Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Tháp còn lại gần cầu Tham Lương, quận Tân Bình. Mỗi tháp cao chừng 30m.

Nhiều lần chụp ảnh, đăng facebook nhưng anh Nguyễn Phát, tài xế xe khách, ngụ quận 8, cũng không biết công dụng của hai cái tháp nói trên.

Giải mã hai tháp cao vút ở hai đầu Sài Gòn - 1

Tháp ở gần cầu Điện Biên Phủ được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1966. Ảnh: TRUNG THANH

“Tôi thấy đẹp nên chụp ảnh vậy thôi chứ không biết đây là công trình gì. Có người nói cái tháp ở gần cầu Điện Biên Phủ được xây từ trước 1975 nhưng không biết thông tin này có chính xác hay không!”, anh Phát chia sẻ.

Ông Nguyễn Tống Đăng Khoa, nguyên Trưởng phòng kỹ thuật của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), cho biết hai cái tháp nói trên gọi là tháp cắt áp, được xây dựng cùng thời điểm xây dựng nhà máy nước Thủ Đức, quận Thủ Đức và nhà máy nước Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Đây là hai nhà máy chính đang cung cấp nguồn nước sạch cho người dân TP.HCM.

Giải mã hai tháp cao vút ở hai đầu Sài Gòn - 2

Tháp ở gần cầu Tham Lương được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2004, nhằm giảm áp lực nước. Ảnh. TRUNG THANH

“Tháp cắt áp ở gần cầu Điện Biên Phủ được xây và đưa vào sử dụng từ năm 1966. Còn tháp cắt áp ở gần cầu Tham Lương xây dựng hoàn thành vào năm 2004. Hai tháp này dùng để điều tiết áp lực nước từ nhà máy nước Thủ Đức và nhà máy Tân Hiệp”, ông Khoa cho biết thêm.

Theo ông Khoa, tháp cắt áp nói trên cao hơn 30 m, có nguyên lý hoạt động khá đơn giản. Cụ thể, dọc thân tháp có một đường ống nối thông với đường ống cấp nước lớn bên dưới. Khi nước từ nhà máy bơm vào đường ống lớn chạy về đến tháp cắt áp, áp lực nước sẽ được điều tiết, giảm xuống, trước khi nguồn nước này hòa vào mạng lưới đường ống nhỏ hơn.

“Ví dụ nước từ nhà máy bơm ra với áp lực lớn tương đương với cột nước cao hơn 30m thì khi đến tháp cắt áp nước sẽ “chạy” lên cao rồi tràn ra. Theo đó, áp lực nước được giảm xuống. Nếu để áp lực lớn, thì khi hòa vào mạng lưới đường ống cấp nước nhỏ hơn thì sẽ gây ra tình trạng xì, bể đường ống”, ông Khoa giải thích thêm.

Tòa nhà ”3 cây nhang” ở SG lột xác sau 20 năm dính lời đồn ”ma ám”

Sau gần 2 thập kỷ bị bỏ hoang, tòa nhà “3 cây nhang” đìu hiu với những lời đồn ma mị sắp trở thành trung tâm thương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Thanh (Pháp luật TP.HCM)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN