Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là bất khả thi

Thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) chiều 27.5, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội cho rằng quy định phải ghi âm, ghi hình tất cả các cuộc hỏi cung để tránh tình trạng ép cung, dùng nhục hình là bất khả thi vì điều kiện chưa cho phép.

Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là bất khả thi - 1
Đại biểu Vũ Chí Thực - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh - phát biểu trong buổi thảo luận tổ chiều 27.5.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, quy định hỏi cung bị can phải ghi âm, ghi hình là rất lý tưởng, nhưng rất khó thực hiện. "Hiện nay 60% phạm tội quả tang chứng cứ rõ ràng thì ghi âm, ghi hình làm gì? Nếu đề ra quy định thì ai là người ghi âm, ghi hình? Nếu giao điều tra viên thụ lý vụ án làm thì không dại gì họ lại ghi âm, ghi hình việc bức cung" - ĐB Đương bày tỏ.
 
Cũng theo ĐB Đương, quy định phải ghi âm, ghi hình là không phù hợp, tạo thủ tục rườm rà không cần thiết và rất tốn kém. Ông Đương cho rằng, thời gian qua chỉ có một số trường hợp bức cung xảy ra mà đưa ra quy định phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can là không nên.
 
Cùng đồng tình, ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai) cho rằng: Cơ quan soạn thảo muốn quy định việc ghi âm, ghi hình đối với các loại tội phạm để tránh việc ép cung, dùng nhục hình, nhưng cần xem xét cân nhắc kỹ vì việc đầu tư trang thiết bị cho cơ quan điều tra xuống tới cấp huyện là rất tốn kém.

Theo ĐB Năm việc ghi âm, ghi hình không hẳn là giải pháp chống việc bức cung, nhục hình hiệu quả, vì điều tra viên làm việc trước với bị can rồi mới bắt đầu tiến hành ghi âm, ghi hình thì việc ghi âm, ghi hình đó cũng chỉ là hình thức.

“Khi bị can khai nhận rồi cán bộ điều tra mới ghi âm, ghi hình thì cũng có thể có bức cung mà chúng ta không phát hiện được" - ĐB Năm nêu.
 
Bên cạnh đó, có khá nhiều ĐB đang trong lực lượng công an cũng không đồng tình với quy định này.

Giám đốc Công an TP.Hà Nội - ĐB Nguyễn Đức Chung cho biết: Qua tổng kết 10 năm Bộ luật TTHS ở Hà Nội cho thấy, 58-60% vụ án là bắt phạm tội quả tang, tỉ lệ điều tra liên quan đến các vụ án thực tế thì quy định hiện hành không bắt buộc việc ghi âm, ghi hình, nhưng trong một số vụ án cơ quan điều tra thấy bị can hay thay đổi lời khai hoặc cần phải đảm bảo hơn thì cơ quan điều tra vẫn ghi hình, ghi âm toàn bộ.
 
"Cũng phải nói rằng thủ tục ghi âm, ghi hình cần phải rất chặt chẽ, không phải cứ đặt máy ghi bí mật mà phải lập biên bản ghi rõ cuộc hỏi cung hôm nay được tiến hành ghi hình, ghi âm bằng những thiết bị gì, sau đó phải bật lại cho bị can hoặc người bị tạm giam, tạm giữ nghe để xác nhận xem cuộc ghi âm đó có đúng không để họ ký vào, rồi lập biên bản, niêm phong lại. Sau này tài liệu ghi âm, ghi hình đó mới có giá trị về mặt pháp lý" - ĐB Chung đánh giá.
 
Cũng theo ĐB Chung, hiện nay cả nước đang bắt giữ gần 100.000 bị can, bị cáo, trang bị hệ thống ghi âm ghi hình bao nhiêu cho đủ, kho nào để chứa khối lượng hồ sơ khổng lồ đó? Thực tiễn cho thấy việc quy định ghi âm, ghi hình là không thực tiễn, tốn kém và khó khả thi.

Theo ông Chung, chỉ nên quy định ở góc độ những vụ án phức tạp mà trong quá trình điều tra, bản thân cơ quan điều tra cũng phải thực hiện ghi âm, ghi hình theo đúng quy định pháp luật. Sau này nếu bị can, bị cáo có vấn đề gì thì mới mở niêm phong ghi âm, ghi hình ra.
 
ĐB Vũ Chí Thực – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh - cũng khẳng định, nếu quy định ghi âm ghi hình tất cả các cuộc hỏi cung là điều không tưởng. ĐB Thực đề nghị nên phân loại, tùy loại tội phạm mới phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung.
 
Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II- ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cũng cho rằng, trừ những vụ án phức tạp như án tham nhũng hoặc các vụ án mà bị can kêu oan nhiều lần thì mới nên ghi âm, ghi hình. “Còn một khi cán bộ điều tra đã chủ động bức cung hay dùng nhục hình thì không dại gì người ta ghi hình cả”, ông Quân nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lương Kết - Hải Phong ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN