E dè cưỡng chế, thu hồi đất sau vụ Tiên Lãng

“Sau khi có vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng thì các địa phương hạn chế, e dè khi áp dụng biện pháp hành chính như thực hiện cưỡng chế thu hồi đất”.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang nêu nguyên nhân của tình trạng lãng phí đất đai.

Theo thông báo của Bộ TN&MT, đến giữa năm 2013 cả nước có khoảng 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với diện tích 128.033,131 ha.

Với hàng chục nghìn đơn vị sai phạm như trên, các địa phương chỉ thu hồi được đất của 819 tổ chức (khoảng 10%) với diện tích 38.771 ha (trong đó có 479 tổ chức kinh tế/25.138 ha; 158 tổ chức sự nghiệp công/551 ha; 17 nông, lâm trường/12.794 ha...). Hiện các địa phương đang tiếp tục xử lý 1.547 tổ chức với diện tích 22.654 ha.

E dè cưỡng chế, thu hồi đất sau vụ Tiên Lãng - 1

Bộ TN&MT cho biết, sau vụ Tiên Lãng, các địa phương e dè thực hiện cưỡng chế thu hồi đất

Trước những con số sai phạm trên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, nguyên nhân để xảy ra những sai phạm trên do công tác quy hoạch chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển, đặc biệt, quy hoạch khu công nghiệp chưa tốt, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa tính đến yếu tố liên kết vùng và ngành…

Ngoài ra tình trạng chậm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang diễn ra phổ biến ở địa phương do chính sách thường xuyên thay đổi. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân do các cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng.

“Sau khi có vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng thì các địa phương hạn chế, e dè khi áp dụng biện pháp hành chính như thực hiện cưỡng chế thu hồi đất” – Bộ trưởng TN&MT dẫn dụ.

Bên cạnh đó, Bộ TB&MT cũng chỉ ra một nguyên nhân cơ bản khác là thị trường bất động sản đang trong giai đoạn bị chìm lắng dẫn đến chậm đưa đất vào sử dụng. Công cuộc khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu cũng làm tăng khó khăn về vốn, đầu ra, thu hút đầu tư, làm chậm tiến độ sử dụng đất.

Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong thời gian qua vẫn còn chạy theo mục đích thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương. Chính bởi lý do này mà các địa phương chưa sàng lọc được nhà đầu tư kém năng lực, chưa kiểm soát được tình trạng một nhà đầu tư nhưng xin giao đất, thuê đất để thực hiện nhiều công trình, dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, chủ đầu tư bao chiếm, găm giữ đất, bỏ hoang gây lãng phí.

Cũng theo Bộ TN&MT, các cơ quan có trách nhiệm chưa chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên tiến độ triển khai thực hiện các dự án sau khi giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư. Thậm chí nhiều vụ việc xử lý vi phạm còn bị chi phối bởi các quan hệ xã hội…

Trước hàng chục nghìn vi phạm của các tổ chức, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ngành địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai. Đồng thời cần tăng cường quản lý thị trường bất động sản, chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu cụm công nghiệp, hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Để đạt mục tiêu hoàn thành cơ bản việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu (đạt 95% số trường hợp đủ điều kiện hoặc đạt 85% diện tích cần cấp trở lên đối với các loại đất chính), Bộ TN&MT cho biết, đến 31/12/2013 các địa phương trong cả nước cần phải cấp 3.547.000 giấy với tổng diện tích 2.267.000 ha.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thành Nam (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN