Tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm dịp bão Rammansun đổ bộ

Chủ nhân của tàu ngầm tự chế Trường Sa 1 cho biết, ông muốn tranh thủ thời tiết mưa bão, sóng to, gió lớn đưa tàu ngầm Trường Sa 1 ra phao số 0, cảng Diêm Điền, Thái Bình thử nghiệm.

Trao đổi với phóng viên chiều ngày 15/7, ông Nguyễn Quốc Hòa, chủ nhân của tàu ngầm tự chế Trường Sa 1 cho hay, sau hơn một tháng khắc phục, thay thế một số bộ phận đến nay tàu ngầm Trường Sa đã sẵn sàng thử nghiệm lần 2 trên biển.

“Biển Đông sắp có bão Rammansun đổ bộ vào. Do vậy, tôi muốn đưa tàu ra biển thử nghiệm đúng dịp này để thử nghiệm khả năng lặn của tàu ngầm. Tôi dự kiến sẽ thử nghiệm tàu ngầm ở phao số 0, cảng Diêm Điền, tỉnh Thái Bình. Khu vực thử nghiệm có độ sâu khoảng 20m. Khi thử nghiệm sẽ có tàu cá hỗ trợ”.

Giải thích lý do tại sao ông lại không chọn thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa 1 vào thời điểm khác mà lại chọn đúng lúc mưa bão, ông Hòa nói: “Đây là điều kiện thuận lợi cho tôi thử nghiệm tàu ngầm trên biển. Tôi đang muốn thử nghiệm lúc này vì muốn xem khả năng lặn của tàu ngầm khi có sóng lớn đến đâu”.

Tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm dịp bão Rammansun đổ bộ - 1

Tàu ngầm Trường Sa 1 thử nghiệm ở biển Diêm Điền, Thái Bình ngày 30/5

Ông Hòa cho biết thêm, sau 8 lần thử nghiệm, đến nay mọi thông số trong tàu ngầm đều đạt chuẩn, hoạt động tốt. Lần thử nghiệm sắp tới này chỉ có mình ông điều khiển tàu ngầm. Ông sẽ thử nghiệm khả năng lặn của tàu ngầm. Thời gian thử nghiệm dự kiến sẽ diễn ra trước hoặc trong lúc bão đổ bộ vào đất liền.

Trước đó, ngày 30/5, tại vùng biển cảng Diêm Điền (tỉnh Thái Bình), tàu ngầm Trường Sa 1 đã chính thức được ra biển thử nghiệm dưới sự giám sát của lực lượng biên phòng. Buổi thử nghiệm khả năng lặn của tàu ngầm đã không thành công do gặp sự cố gãy chân vịt.

Sau lần thử nghiệm đó, ông Hòa đã phát hiện một số lỗi kỹ thuật còn tồn tại ở chiều hướng lái, thông tin liên lạc và đã có khắc phục ngay. Đặc biệt, ông Hòa đã nâng cấp hệ thống máy bên trong tàu ngầm từ 1.0 lên thành phiên bản 2.0.

“Phiên bản máy mới 2.0 hoàn thiện hơn, tàu sẽ đủ sức cản lướt mọi lực tác động bên ngoài và vận hành theo ý muốn của người điều khiển. Thêm nữa, nó giúp tôi vận hành tàu nhanh hơn, khỏe hơn”, ông Hòa chia sẻ.

Ông Hòa thông tin thêm, sau khi có được kết quả thành công bước đầu từ chạy thử nghiệm Trường Sa 1, ông đã cùng với các kỹ sư bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế tàu ngầm Trường Sa 2. Hiện tại, bản vẽ thiết kế tàu ngầm Trường Sa 2 đã  xong.

“Về kích cỡ của tàu ngầm Trường Sa 2 đến thời điểm này tôi chưa thể nói được bởi nó còn phụ thuộc vào kinh tế của gia đình có nhiều hay ít. Tuy nhiên, tôi chắc chắn là chiều ngang và chiều dọc của tàu ngầm Trường Sa 2 sẽ to hơn Trường Sa 1. Số người ngồi trong tàu ngầm Trường Sa 2 cũng nhiều hơn”, ông Hòa nói.

Vào đầu năm 2013, ông Nguyễn Quốc Hòa 56 tuổi, Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa, ở TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã tự chế tàu ngầm mang tên Trường Sa 1. Theo thiết kế, tàu có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Bán kính hoạt động 800km. Tàu lặn sâu 50m, có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu có 2 động cơ 90Hp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Tàu ngầm Trường Sa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN