Đôi vợ chồng được mệnh danh là “Robinson xứ Huế”

Thường ở cái tuổi xế chiều, người ta vẫn hay mong muốn được sống vui vầy bên con cháu. Thế nhưng dù có con cháu đề huề, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp (72 tuổi) và bà Trần Thị Hồng (70 tuổi) lại chọn cho mình cuộc sống tách biệt với cộng đồng, dành cả cuộc đời để bảo vệ hệ sinh thái của khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn lại trên phá Tam Giang.

Đôi vợ chồng được mệnh danh là “Robinson xứ Huế” - 1

Hai vợ chồng lão nông Nguyễn Ngọc Đáp trong ngôi nhà nhỏ của mình.

Bỏ nhà ra rừng sinh sống

Từ TP Huế men theo QL49 khoảng chừng 20km, chúng tôi tìm về rừng Rú Chá thuộc thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến đây, hỏi thăm gia đình vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp, không một người dân nào là không biết. Biệt danh “dị nhân Rú Chá” hay “Robinson xứ Huế” đã gắn liền với tên tuổi vợ chồng lão nông yêu rừng suốt nhiều năm qua.

Với diện tích khoảng 5ha, Rú Chá hiện là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại của miền Trung. Theo người dân địa phương, sở dĩ nơi đây có tên gọi là “Rú Chá” vì “rú” có nghĩa là “rừng”, còn “chá” là bởi trong rừng toàn là “cây chá”. Từ bao đời nay rừng chá mọc dày đặc như một bình phong án ngữ che chắn, bảo vệ vùng đất này trước biển Thuận An. Ít ai biết rằng, để góp phần gìn giữ khu rừng còn nguyên vẻ ban sơ được như ngày hôm nay, có công rất lớn của vợ chồng ông Đáp, những người xem rừng như ngôi nhà của mình.

Gặp chúng tôi, ông Đáp say sưa kể câu chuyện về Rú Chá như chính câu chuyện cuộc đời mình. Ông Đáp cho hay, năm 1976 ông nên duyên vợ chồng với bà Trần Thị Hồng. Cuộc sống đang yên lành thì năm 1990 ông bàn với vợ xin chính quyền địa phương ra Rú Chá để ở. Rú Chá khi ấy hoang vu không một bóng người nên nghe chồng nói, bà Hồng vợ ông giãy nảy, một mực lắc đầu vì “Rú không có gì, ra đấy thì biết lấy gì mà sống?”. Thế nhưng vì muốn bảo vệ rừng, sống cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, ông Đáp một mực thuyết phục: “Vì Rú Chá hoang tàn nên mới cần người chăm sóc bảo vệ, giữ rú là giữ cho con cháu sau này”, cuối cùng bà Hồng cũng gật đầu.

Sau khi lo cho các con tạm ổn cuộc sống ở trong làng, ông Đáp dẫn theo vợ chọn một bãi bồi khá cao ở ngay trung tâm của khu rừng dựng một căn nhà tạm để có nơi ra vào. Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng nằm lọt thỏm trên một hòn đảo nhỏ có diện tích chưa đến 1ha. Không điện, không nước ngọt, không hàng xóm và tách biệt với cộng đồng. Thế nhưng gần 30 năm nay, từ trong khó khăn thiếu thốn, vợ chồng ông bà vẫn sống lạc quan, hạnh phúc.

30 năm giữ rừng không lương

Đôi vợ chồng được mệnh danh là “Robinson xứ Huế” - 2

Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng “Robinson xứ Huế” nằm lọt thỏm giữa rừng Rú Chá. ảnh: T.G

Những ngày đầu mới chuyển vào Rú Chá ở, cảnh vật ở đây khá hoang vu, chỉ được vài cây chá mọc lèo tèo. Ban ngày thì còn có người trong làng vào rú nhặt củi, bẫy chim, đêm đến thì vắng ngắt. Tài sản quý giá nhất của hai vợ chồng lão nông chỉ có chiếc radio. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, nhưng hai vợ chồng quyết bám trụ với Rú Chá.

Để mưu sinh, ông Đáp xin đấu thầu một thửa đất cạnh rú để đắp đập thả tôm, cá, còn vợ thì vay mượn mua thêm vài con gà, vịt về nuôi. Rừng ngập mặn nhiều tôm cá nên hai ông bà cũng sống đủ qua ngày. Có một khoảng thời gian khá dài, Rú Chá trở thành nguồn sống của người dân Thuận Hòa. Không chỉ khai thác nguồn tôm cá, việc bẫy chim cũng như đốn hạ những cây chá để làm củi đốt khiến khu rừng phòng hộ ngày càng xơ xác. Chứng kiến Rú Chá ngày càng bị tàn phá, vợ chồng ông Đáp không khỏi xót xa.

Không chịu để cảnh cả khu rừng ngập mặn trở thành đồi trọc, hai vợ chồng ông Đáp tình nguyện xin làng ở lại chăm sóc bảo vệ rú. Cứ đêm xuống ông Đáp lại lặn lội đi xem xét kiểm tra xem có người nào chặt cây để sớm hôm sau đạp xe lên báo cho trưởng thôn. Đến tháng 7, khi đàn cò trắng bay về nhiều, ông lại tất bật đi gỡ bẫy cò để không một con cò nào về với Rú Chá bị dính bẫy. “Nhiều người không chặt được cây hay bẫy được chim vẫn ấm ức gọi tôi là khùng, nhưng với tôi miễn sao bảo vệ Rú Chá này là được. Tôi coi Rú Chá như tính mạng của mình”, ông Đáp vui vẻ cho biết.

Ở cái tuổi thất thập, so với những người cùng thế hệ thì ông Đáp và bà Hồng vẫn còn khỏe mạnh lắm. Dù đã 72 tuổi nhưng hằng ngày ông Đáp vẫn chèo thuyền khắp khu rừng để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ rừng. Kể từ khi có bàn tay hai vợ chồng ông Đáp chăm sóc, những cây chá, cây sú đua nhau bén rễ sinh sôi phát triển, chim muông đua nhau tìm về. Màu xanh bao phủ cả cánh rừng ngập mặn vốn hoang vu tiêu điều. Không ít gốc chá xanh tốt cao quá đầu người chính là thành quả của việc vợ chồng ông Đáp ươm trồng và chăm sóc.

Trước đây, mỗi năm vợ chồng ông Đáp được làng “trả lương” bằng 3 tạ lúa thế nhưng hai vợ chồng chỉ lấy 2 tạ, còn 1 tạ thì gửi lại dùng cho việc làng. Từ năm 2000 đến nay, làng không cấp lúa nữa, vợ chồng ông Đáp xem như giữ rừng không lương, thế nhưng chẳng vì thế mà ông bà từ bỏ công việc của mình.

Thương cha mẹ, những người con của hai lão nông nhiều lần khuyên ông bà vào làng ở cùng con cháu để tiện bề chăm sóc, thế nhưng mỗi năm hai ông bà cũng chỉ về ở với con ba ngày Tết rồi lại trở lại với khu rừng vì ông bà chỉ xa Rú Chá một ngày là đã thấy nhớ. “Tôi ở đây quen rồi, ở trong đó ồn ào lắm, không chịu được. Đời tôi gắn bó với cái Rú Chá này cho đến khi nào xanh cỏ thì thôi”, ông Đáp nói.

Giải thích cho quyết định của mình ông Đáp cho hay: “Thời còn giặc Pháp, giặc Mỹ, chính Rú Chá đã che chở cho người dân làng Thuận Hòa bao lần thoát khỏi bom đạn. Rồi những năm cả làng không có gạo để ăn thì bà con lại vào Rú Chá để bắt cá tôm để ăn thay gạo. Rú Chá bao đời che chở cho dân làng nên tôi muốn gắn bó cuộc đời mình như để trả ơn và cũng là bảo vệ cho con cháu sau này”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo L.Chung – Đ. Hoàng (Gia đình xã hội)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN