ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã chuẩn bị gì để đào tạo y dược?

Lãnh đạo trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ khẳng định, trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sơ vật chất đạt tiêu chuẩn, cùng đội ngũ giảng viên, bác sĩ uy tín.

Mới đây, ngày 19.11.2015, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký quyết định cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, ngành Y đa khoa (mã số 52720101) và Dược học (mã số 52720410).

“Chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành trên nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của trường. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành”, quyết định nêu rõ.

Thông tin về văn bản này được rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, cùng những ý kiến khác nhau. Nhiều người tỏ ra bất ngờ, khi một trường đại học ngoài công lập, có tên gọi không liên quan tới ngành y dược lại được đồng ý cho đào tạo ngành này.

Mời giáo sư, bác sĩ uy tín về giảng dạy

Sáng 26.11, trao đổi với PV, GS.TS Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết, trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và mời các giáo sư, bác sĩ uy tín giảng dạy.

“Các cơ quan chức năng đã đến kiểm tra, cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị đào tạo của trường đạt tiêu chuẩn mới đồng ý cho chúng tôi đào tạo 2 khoa nêu trên. Ngoài ra, nhà trường cũng đã liên kết và ký hợp đồng với các bệnh viện, để các sinh viên học ở trường đi thực tập”, ông Hóa khẳng định.

ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã chuẩn bị gì để đào tạo y dược? - 1

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ

Đại diện trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho hay, trường đã chuẩn bị hồ sơ, thủ tục xin đào tạo hai ngành này trong suốt 3 năm qua. Ngoài ra, trường còn mời các bác sĩ uy tín ở các bệnh viện lớn, các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu ở trường Đại học Y Hà Nội đã nghỉ hưu đến trường giảng dạy.

Đặc biệt, trường đã mời TS Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương về trường tham gia giảng dạy.

Bắt đầu tuyển sinh từ năm 2016

Ông Hóa cho biết thêm, dự kiến trường sẽ tổ chức thi tuyển hai ngành Y đa khoa và Dược theo các tổ hợp môn: Toán – Lý – Hóa, Toán – Hóa – Sinh, Toán – Lý – Sinh. Trường xét tuyển những thí sinh đạt 20 điểm trở lên và không có môn nào dưới điểm 5. Nhà trường sử dụng điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia, không xét tuyển dựa trên học bạ.

Trường đang xin ý kiến của Cục Khảo thí và Kiểm định giáo dục, Bộ GD-ĐT. Việc tuyển sinh chính thức bắt đầu vào năm 2016, dự định đầu tháng 12.2015 sẽ thông báo để tuyển sinh.

Nhà trường cũng xem xét việc tuyển các thí sinh trong ngành, đã học năm thứ 3, thứ 4 ở các trường khác chuyển sang. Ông Hóa kỳ vọng trong đợt tuyển sinh đầu sẽ lấy 100 chỉ tiêu.

Mức mức học phí đã được thống nhất, theo đó mức dành cho sinh viên theo học ngành Y đa khoa là 50 triệu đồng/năm/sinh viên. Còn với ngành Dược thì học phí là 25 triệu đồng/ năm/sinh viên.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết:  “Tiêu chí để mở ngành mới của các trường đại học đã được quy định cụ thể trong Thông tư 08/2011 TT-BGDĐT của Bộ. Việc xét mở ngành mới căn cứ vào các tiêu chí đó, không phân biệt trường công hay trường tư”. 

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay có 21 trường đào tạo Y đa khoa, trong đó có 5 trường ngoài công lập. Về ngành Dược, có 26 trường, trong đó có 14 trường ngoài công lập.

ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (trước đó là ĐH Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội) là trường tư thục, được thành lập tháng 6.1996, do Giáo sư Trần Phương (Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương ĐCSVN (Khóa IV và V), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) làm Hiệu trưởng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN