Đề xuất khám người nhân viên bốc xếp hành lý sân bay

Nhân viên bốc dỡ hành lý ở sân bay phải mặc đồng phục không có túi, không được sử dụng điện thoại di động, kê khai tài sản cá nhân trước ca làm việc. Thậm chí, có thể bị khám xét người trong ca làm việc.

Sau sự việc nhiều hành khách đi chuyến bay VJ902 của hãng hàng không VietJet Air tố bị phá khóa vali, mất đồ đạc, hãng hàng không này cũng lên tiếng về hiện tượng thất lạc hành lý, mất đồ của khách khi về đến sân bay Nội Bài gia tăng trong thời gian qua.

Ông Bùi Tuấn Anh – Giám đốc Công ty phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) xác nhận có tình trạng đó, chính vì vậy đơn vị phục vụ mặt đất cũng phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa.

Ông Tuấn Anh cho hay: “Ví dụ như đối với nhân viên trực tiếp làm công việc vận chuyển hành lý, chúng tôi may trang phục không có túi, trong ca làm việc không được phép sử dụng điện thoại. Trước khi đi làm, nhân viên phải đăng ký dùng điện thoại gì, trong ví có bao nhiêu tiền”.

Tuy nhiên, hiện tượng hành khách báo sự cố đối với hành lý, đặc biệt là mất đồ trong hành lý ký gửi vẫn tiếp tục xảy ra. Trong khi đó, đơn vị phục vụ mặt đất và các cơ quan liên quan chưa phát hiện trường hợp nhân viên vi phạm.

Đề xuất khám người nhân viên bốc xếp hành lý sân bay - 1
Đề xuất an ninh khám người nhân viên bốc xếp hành lý tại sân bay Nội Bài Hà Nội (Ảnh minh họa: Ảnh Nguyễn Đức)

 

Ông Bùi Tuấn Anh cho biết: “Cực chẳng đã, cách đây hai tháng chúng tôi đã phải triển khai việc khám người nhân viên làm nhiệm vụ vận chuyển hành lý. Sau khi nhân viên thực hiện xong nhiệm vụ, người giám sát sẽ khám trực tiếp. Đây là việc nhằm hạn chế tối đa vi phạm, giảm thiểu hiện tượng trộm cắp”.

Thậm chí, HGS đã đề xuất lực lượng an ninh sân bay phối hợp thực hiện khám xét nhân viên bốc dỡ hành lý để mang tính khách quan, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, hiện trong quá trình xếp dỡ hành lý từ hầm hành lý ra máy bay và ngược lại, từ khoang hàng máy bay vào đảo chuyền hành lý vẫn còn những “điểm mù” camera giám sát chưa ghi nhận được.

Như trong vụ việc hành khách chuyến bay VJ902 tố bị phá khóa vali, camera giám sát cũng không quan sát được đầy đủ quá trình vận chuyển hành lý ký gửi. Hình ảnh ghi nhận được cho thấy hành lý của chuyến bay được đưa vào băng chuyền từ 16h23 đến 16h40 và kiện hành lý bị vỡ được nhân viên quấn băng dính đưa lên băng chuyền cuối cùng vào lúc 16h56.

Tuy nhiên, camera tại khu vực đảo hành lý lại chỉ thu được hình ảnh của một phần khu vực đảo hành lý số 1. Phần hình ảnh thu được không cho thấy dấu hiệu nào bất thường.

Ông Bùi Tuấn Anh – Giám đốc HGS cũng chỉ ra thêm một “điểm mù” khác: “Chúng tôi cũng đã từng đề xuất có camera giám sát di động khi nhân viên làm việc trong khoang hàng máy bay. Đó cũng là khu vực rất khó quan sát”.

Về trách nhiệm của đơn vị mặt đất trong vấn đề sự cố hành lý với khách hàng, ông Tuấn Anh cho biết tất cả các bên liên quan đều phải chịu trách nhiệm. Đơn vị mặt đất sẽ chịu trách nhiệm trước hãng hàng không, còn hãng hàng không là đơn vị ký hợp đồng vận chuyển với khách sẽ đứng ra chủ trì giải quyết.

Hiện Cục Hàng không Việt Nam đang chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ thị của Bộ GTVT về chống mất cắp hành lý, hàng hóa và Kế hoạch phòng chống mất cắp hành lý ký gửi qua đường hàng không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vinh Hải – Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN