Đau xót chín con không nuôi nổi mẹ già

Hỏi thăm về cuộc sống của các cụ ở viện dưỡng lão, ai cũng hào hứng vì “ở đây, cái gì cũng tốt” nhưng mỗi khi nhắc đến hai chữ “gia đình”, giọng các cụ lại trầm xuống, có cụ thì bật khóc như một đứa trẻ...

9 con không nuôi nổi 1 mẹ già

Đến viện dưỡng lão Thiên Đức, tôi được gặp cụ Nhỡ, một trong số ít những người đã bước sang tuổi 90 nhưng vẫn còn minh mẫn và có sức khỏe tốt.

Chỉ có điều, khi mới tiếp xúc, cụ gần như không muốn bộc bạch những chuyện riêng tư với người lạ. Vì vậy, phải sau một hồi ân cần hỏi han, cụ mới chịu chia sẻ những lời gan ruột.

Cụ có đến 9 người con, nhưng một anh không may mất sớm, nên chỉ còn lại 8. Trong đó có 2 anh con trai và 6 cô con gái.

Cách đây không lâu, vì sợ cụ đau yếu bất chợt lúc tuổi già nên các con của cụ đã tập trung gom tiền đưa cụ vào trung tâm để cụ được chăm sóc tốt hơn.

Từ đó cuộc đời cụ lại chuyển sang một trang mới. Cụ bắt đầu có thêm nhiều người bạn già, được hưởng một chế độ chăm sóc tuyệt vời từ đội ngũ y tá của trung tâm khiến cụ thấy mình khỏe mạnh ra nhiều.

Thế nhưng, khi vừa hỏi về cuộc sống của cụ trước khi vào viện dưỡng lão thì cụ lại thay đổi sắc mặt, rồi òa khóc nức nở như một đứa trẻ dỗi hờn: “Tôi tủi thân lắm, tôi có đến 9 đứa con mà trước khi vào đây, bà già 90 tuổi này vẫn phải sống lọ mọ một mình trong căn hộ tập thể tận trên tầng 4. Hàng ngày lần từng bậc thang xuống chợ để mua đồ về nấu bát cơm. Đến lúc chân tay tôi yếu dần, mắt mờ hẳn đi, mấy lần suýt ngã ở cầu thang thì chúng nó mới sợ rồi cho tôi vào đây”.

Đau xót chín con không nuôi nổi mẹ già - 1

Vào viện dưỡng lão, các cụ có thêm nhiều bạn già, nhưng vẫn không nguôi nỗi nhớ con nhớ cháu

Tôi hỏi cụ, sao cụ không về ở chung với con cháu, mà lại chọn cách sống một mình lủi thủi lúc tuổi già, thì cụ bật khóc thật to. Vừa khóc, cụ vừa mếu máo: “Con gái thì chúng nó phải theo chồng, còn con dâu thì nó nói thẳng là nó không chăm được, thế nên tôi mới phải ở một mình, chứ tuổi già ai muốn sống như vậy đâu cô”.

Tôi lặng người và bối rối trước những ấm ức và hờn tủi của cụ. Không biết làm sao cho cụ ngừng khóc, tôi đành hướng cụ đến một câu chuyện khác, và trở thành người làm văn tả cảnh bất đắc dĩ cho những câu hỏi của cụ về chuyện, ngoài phố họ đã chuẩn bị tết đến đâu rồi?

Một đời vì con, cuối đời nhờ xã hội?


Kết thúc câu chuyện với cụ Nhỡ, tôi được y tá dẫn đến phòng của bà cụ đang ngồi trên chiếc xe lăn, mắt nhìn về một nơi xa xăm nào đó...

Dường như bà cụ đang mải suy nghĩ nên cô y tá phải gọi đến 2, 3 tiếng, bà cụ mới giật mình quay lại.

Biết tôi đến để nói chuyện với cụ nên cụ vội vàng với tay kéo chiếc ghế và chỉ tôi ngồi xuống bên cạnh: “Trông con giống con gái bà quá! lúc nãy con làm bà giật mình. Ngày con gái của bà đi Ba Lan học rồi ở lại làm việc, nó cũng chỉ trạc tuổi con bây giờ thôi. Thế mà thấm thoắt đã 30 năm rồi...”.

Ngừng một lát, bà cụ nói tiếp: “Thực ra, bà không muốn để con đi xa như vậy đâu, nhưng mà vì tương lai của con, vì hạnh phúc mà con nó đã chọn nên bà cũng chỉ biết nghe theo thôi chứ biết làm thế nào?

Ở Hà Nội, bà cũng có 2 anh con trai. Trước khi vào đây, bà sống chung một nhà với 2 anh ấy. Nhưng mà suốt ngày, các anh ấy chỉ để bà ở nhà một mình với bốn bức tường, đã vậy lại có thêm nhiều chuyện khiến tâm lý bà không thoải mái, nên bệnh càng bệnh thêm.

Cô con gái gọi về khuyên bà nên vào viện dưỡng lão, vừa chữa bệnh mà lại có bạn thêm vui. Nhưng mà từ ngày vào đây, bà khóc suốt đấy, vì nhớ nhà, nhớ cháu lắm.

Hơn nữa, khi vào đây, nhìn thấy hoàn cảnh của những người bạn già, bà bất chợt lại thấy cô đơn và buồn tủi. Bà cứ nghĩ: không lẽ cả đời mình vì con, vì cháu, đến lúc cuối đời lại phải nhờ trung tâm?”.

(Còn tiếp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Minh (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN