TQ xả nước cứu hạn: Không còn giải pháp tối ưu hơn

Cách duy nhất để chống hạn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là trông chờ vào lượng nước xả từ Trung Quốc.

TQ xả nước cứu hạn: Không còn giải pháp tối ưu hơn - 1

Đất ruộng nứt toác vì khô hạn và bị xâm nhập mặn. (Ảnh: Dương Thanh)

Tại buổi họp báo thường kỳ vào ngày 17.3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, Bộ Thủy lợi Trung Quốc thông báo, Trung Quốc sẽ tăng lưu lượng xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng (tỉnh Vân Nam) xuống hạ lưu sông Mê Kông từ mức 1.100 mét khối/giây lên 2.190 mét khối/giây từ ngày 15.3 đến 10.4.

Đây được xem là động thái tích cực từ phía Trung Quốc sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả nước từ tháng 3 đến tháng 8.2016, nhằm cứu hạn và chống xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, trao đổi với PV chiều 18.3, ông Trần Đức Cường - Phó Chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam lưu ý, lượng nước mà Trung Quốc xả chỉ có thể cứu hạn một phần nào ở hạ lưu, không giải quyết được vấn đề xâm nhập mặn.

Ông Cường lý giải: “Vấn đề xâm nhập mặn phụ thuộc lớn vào diễn biến của đỉnh triều mà đây lại là một yếu tố tự nhiên. Hơn nữa, dòng chảy sông Mê Kông từ Trung Quốc về Việt Nam còn đi qua nhiều nước khác trong khu vực mà họ cũng đang bị hạn”.

Do đó, ông khuyến cáo các địa phương cần có giải pháp chống hạn, chống xâm nhập mặn trong thời gian chờ đợi dòng nước chảy về.

TQ xả nước cứu hạn: Không còn giải pháp tối ưu hơn - 2

 Dòng chảy sông Mê Kông. (Ảnh: Ủy ban sông Mekong Việt Nam)

Trong khi đó, theo PGS.TS. Lương Văn Thanh, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Biển - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ngoài cách trông chờ vào lượng nước xả từ Trung Quốc, không còn giải pháp nào tối ưu hơn vào lúc này.

Ông Thanh cho biết thêm: “Thật ra, bây giờ có thể Trung Quốc đang phải xả lũ vì trên thượng nguồn tuyết bắt đầu tan. Nhưng tất cả các số liệu liên quan đều không được Trung Quốc chia sẻ với các nước trong khu vực”.

Theo ông Thanh, Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông và nước này không tham gia vào Ủy hội Sông Mê Kông. Do đó, các quốc gia có dòng chảy sông Mê Kông đi qua không biết được lượng nước Trung Quốc xả từ các hồ theo các tháng trong năm. Riêng các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam thì có chia sẻ số liệu với nhau.

“Nếu Trung Quốc xả gấp đôi lượng nước ra sông Mê Kông để tham gia chống hạn thì ít nhiều sẽ tốt cho Việt Nam; nhưng phải theo dõi lượng xả gấp đôi đó là trong bao lâu mới biết có hiệu quả hay không”, ông Thanh nói.

“Đây là đợt hạn hán kỷ lục trong 100 năm qua. Thời xưa khô hạn nhưng vẫn có dòng chảy, các dòng sông tự nhiên còn đổ về. Bây giờ, Trung Quốc đã ngăn dòng, đóng lại để chứa nước nên tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Với tình hình khô hạn như năm nay, ngoài cách này (đợi nước xả từ Trung Quốc để cứu hạn - PV) thì vô phương”, ông Thanh nói thêm.

TQ xả nước cứu hạn: Không còn giải pháp tối ưu hơn - 3

Lúa ở miền Tây bị cháy khô. (Ảnh: Dương Thanh)

Cũng theo ông Thanh, qua đợt hạn hán lịch sử này, các địa phương cần phải quy hoạch lại cây trồng, vật nuôi và có phương pháp tưới phù hợp (chẳng hạn tưới phun, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và tăng năng suất). Ngoài ra, cần xem xét lại các hồ chứa, liệu hồ có bị bồi lắng nhiều làm lượng nước trữ lại ít hay không.

Sông Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới. Sông này xuất phát từ vùng núi cao thuộc tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN