Cựu GĐ vừa bị bắt từng nói gì về sự cố vỡ ống nước sông Đà?

Sau rất nhiều lần vỡ đường ống nước sông Đà, ông Hoàng Thế Trung, người phụ trách giai đoạn thi công dự án nước sông Đà “giải trình” về sự cố trong vòng vây của phóng viên báo chí.

Ngày 8.5.2015, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an bắt tạm giam ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án nước Sông Đà về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 229 Bộ luật Hình sự. Cùng với ông Trung, ông Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần ống cốt sợi thuỷ tinh Vinaconex cũng bị khởi tố.

Cơ quan điều tra xác định ông Hoàng Thế Trung, Trần Cao Bằng là những người có trách nhiệm trực tiếp trong việc để xảy ra những vi phạm về việc sản xuất, lắp đặt hệ thống ống nước dẫn đến đường ống bị vỡ liên tục (tính đến tháng 1.2015 đường ống bị vỡ 10 lần).

Cựu GĐ vừa bị bắt từng nói gì về sự cố vỡ ống nước sông Đà? - 1

Ông Hoàng Thế Trung - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án nước sông Đà (ngoài cùng bên trái).

Trước đó, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 6.5.2014 (thời điểm đó đường ống 6 lần bị vỡ), Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex trả lời báo chí về sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà từ Hòa Bình về Hà Nội, làm hơn 70.000 hộ dân Thủ đô mất nước sinh hoạt.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Thế Trung - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án nước sông Đà – người phụ trách giai đoạn thi công dự án đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các phóng viên liên quan đến sự cố.

Ông Hoàng Thế Trung giải thích, sự cố mất nước tại khu vực quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Thanh Trì, một phần quận Đống Đa... do Công ty nước sạch Vinaconex cung cấp nước được “quan tâm” nhiều hơn những nơi khác.

Bởi những nơi khác có sự bổ sung, phối hợp hỗ trợ trong việc cung cấp nước. Hay nói cách khác, những địa bàn khác khi gặp sự cố thì có phương án dự phòng để đưa được nước từ nguồn khác về.

Trong khi đó, khu vực do Công ty nước sạch Vinaconex cung cấp nước chưa có sự phối hợp, hỗ trợ để đưa nguồn nước từ nơi khác đến, trong trường hợp có sự cố.

“Tổng công ty Vinaconex đã định hướng, tập trung đầu tư ngay tuyến ống thứ 2, đặc biệt, làm trước đoạn từ Hòa Lạc về trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mễ Trì – Từ Liêm)”, ông Trung bày tỏ.

Trả lời các băn khoăn của phóng viên về vấn đề thi công, kỹ thuật... nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án nước sông Đà cũng cho rằng, các hạng mục của dự án đã được thi công đều tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật.

Về thắc mắc chất liệu ống dẫn nước có pha sợi thủy tinh liệu có đảm bảo chất lượng không? Ông Hoàng Thế Trung nói: “Chất liệu các loại ống dẫn sử dụng đều được thực hiện đúng quy trình tư vấn và kiểm tra của cơ quan chức năng”.

Trong quá trình thực hiện đường ống trùng với thời gian thi công tuyến đường Láng – Hòa Lạc, Ban quản lý đã liên hệ với Ban quản lý dự án Thăng Long, đơn vị tư vấn giám sát xin thiết kế.

Qua các tài liệu đã xác định được đoạn nền đất yếu, gồm các đoạn nằm bên trái đường (hướng đi từ Hà Nội – Hòa Lạc) là 11 đoạn. Trong quá trình thực hiện đường ống, Ban quản lý đã có giải pháp lắp đặt trên nền đất yếu.

Cụ thể, khi thi công qua những đoạn nền đất yếu, thay vì sử dụng những đoạn ống thông thường dài 12m, mà dùng những đoạn ống ngắn hơn từ 2 – 6m để làm “mềm hóa” đường ống.

Theo ông Trung, thời điểm thi công, dự án không xử lý nền đất yếu, lý do cùng thời điểm đó dự án đường Láng – Hòa Lạc đang thi công đã xử lý nền đất yếu, vì vậy Ban quản lý dự án sông Đà không thể xử lý trùng lặp.

Giải thích về việc sau 2 năm xảy ra sự cố nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, ông Trung cho hay, đây là một dự án lớn có nhiều giai đoạn, công đoạn. Ngay bản thân từng người có nhận thức, hiểu biết khác nhau nên đưa ra các nguyên nhân khác nhau.

“Có người cho rằng thi công có vấn đề, có người cho rằng sử dụng ống không đúng... Tất cả các nguyên nhân đó, chúng tôi đã họp nhiều lần, tìm hiểu, phân tích... và với trình độ hiểu biết, khả năng của chúng tôi, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân”, ông Trung nói.

Ông Trung nói rằng, hy vọng sớm tìm ra nguyên nhân, qua đó có biện pháp khắc phục. Từ đó, biết nguyên nhân ở khâu nào, do cá nhân, tổ chức nào phụ trách thì sẽ phải chịu trách nhiệm.

Ông Hoàng Thế Trung nói: “Là người phụ trách giai đoạn thi công, mặc dù nay không còn phụ trách nữa nhưng với ý thức của một người dân, tôi cũng rất buồn”.

“Chúng tôi - công ty xây dựng, đang quản lý, vận hành khai thác, về lâu dài chủ động về kế hoạch, đầu tư tuyến ống thứ hai. Còn trước mắt, tập trung vật tư, thiết bị, nhân lực để có khả năng xử lý ngay sự cố, nhanh chóng cấp lại nước cho người dân”. 

Theo kết luận giám định của Bộ Xây dựng tháng 6.2014, nguyên nhân sự cố do chất lượng ống cốt sợi thủy tinh không đồng đều; quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân như: ảnh hưởng của việc thi công xây dựng và vận hành khai thác tuyến đại lộ Thăng Long có tác động bất lợi lên đường ống, việc gia tăng tải trọng của các phương tiện giao thông tại các đường ngang, dường dân sinh trên tuyến ống...

Ngoài việc xác định nguyên nhân, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan như chủ đầu tư, nhà sản xuất đường ống, đơn vị thi công, đơn vị giám sát công trình.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN