Gặp cụ bà 90 tuổi mò cua bắt ốc nuôi thân ở Hà Nội

Đôi chân trần không tất, không dép, cụ co ro trong chiếc áo len mỏng manh cùng chiếc quần xatanh cũ nát tươm… y như số phận của cụ vậy.

Mấy hôm nay, tin tức trên cộng đồng mạng xôn xao đoạn clip ghi lại cảnh một cụ già trong dáng vẻ đói rách phải lội nước mò cua trong cái lạnh cắt da cắt thịt.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc nói chuyện tâm sự về số phận của gia đình cụ. Dáng vẻ tiều tụy của cụ trong đói, rách… y như cuộc đời cụ vậy…

Gặp cụ bà 90 tuổi mò cua bắt ốc nuôi thân ở Hà Nội - 1

Cụ Lộc cùng cô Tuyết và cháu gái vừa đi học về. Ảnh: Cù Hiền

Ở tuổi đã gần 90, lẽ ra, cụ phải được nghỉ ngơi, vui vầy bên con, cháu. Nhưng số phận éo le, đeo đuổi tấm thân già, cuộc sống lam lũ khiến cụ nhìn thảm thương đi nhiều phần. Cụ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Lộc, thường trú tại thôn Thôn Đống Chanh, xã Minh Cường,Thường tín, Hà nội.

Nắm chặt bàn tay gầy guộc xương xẩu, đôi mắt cụ ứa lệ khi kể về cuộc đời mình. Ông bà lấy nhau với đôi bàn tay trắng. Sống trong nghèo khổ lay lắt, bà chỉ sinh được một cô con gái, tên Tuyết, nhưng trớ trêu thay sức khỏe cô Tuyết không được khỏe mạnh như những người khác.

Cô có biểu hiện thần kinh không ổn định. Nuôi con khôn lớn, những mong cuộc sống ngày càng tươm tất hơn. Con gái lớn lên cũng phải lấy chồng, cô Tuyết đã an phận với một người đàn ông đau yếu quanh năm. Cuộc sống của họ chẳng những được cải thiện hơn chút nào mà còn trở nên ngày càng tăm tối.

   

Gặp cụ bà 90 tuổi mò cua bắt ốc nuôi thân ở Hà Nội - 2

Căn nhà tồi tàn, ẩm thấp là nơi ở của cụ cùng con gái và hai đứa cháu nhỏ: Ảnh: Cù Hiền

Sự nghèo khó nảy sinh những mâu thuẫn. Họ ly dị khi đã có với nhau hai mặt con. Cô Tuyết đưa hai đứa con nhỏ về ở cùng mẹ. Kể từ ngày ông mất, cuộc đời họ thêm phần túng quẫn, đã khó nay càng thêm ngặt nghèo.

Hằng ngày, cô không có sức khỏe nên đi đánh giấy ráp thuê với tiền công rẻ mạt, 50.000/ngày. Công việc bập bõm chẳng đủ nuôi hai đứa con ăn học (cháu trai đang học lớp 10, bé gái học lớp 3).

   

Gặp cụ bà 90 tuổi mò cua bắt ốc nuôi thân ở Hà Nội - 3

Nhắc đến mẹ mình, cô Tuyết không ngừng khóc. Ảnh: Cù Hiền

Chị mở thêm quán nước ở mặt đường quốc lộ 1A. Hằng ngày, cụ Lộc đi bắt cua, mò ốc, cô Tuyết bán nước kiếm được đôi ba chục ngàn để mua gạo. Những ngày xưởng mộc có việc làm thì cụ lại thay cô bán nước, còn cô đi đánh giấy ráp.

Nhìn cơ thể gày còm của cụ, trong tấm áo mỏng manh, nhưng cụ bảo cụ không biết lạnh là gì. Đôi dòng nước mắt ứa ra trên khuôn mặt đen nhẻm đầy bụi than chưa kịp rửa, cụ nói: “Mấy năm trước, nhà đói khát quá, chẳng có gì ăn. Tôi đi mò ốc, đào được củ gấu nên ngấu nghiến ăn cho no. Ăn xong, tôi thấy trong người quay cuồng nhưng hết đói nên tôi mang về ngâm rượu. Ăn liên tục trong mấy năm liền, bây giờ người tôi cứ nóng bừng bừng lên, cơ thể lúc nào cũng như lửa đốt, chẳng biết lạnh là gì”.

Nghĩ đến con gái mình, bà lại khóc: “Số nó khổ, tôi thương con nhưng cũng chẳng làm gì được giúp con. Bây giờ, mỗi tháng tôi được UBND xã hỗ trợ 350.000 đồng. Tuyết cũng được hỗ trợ 350.000 đồng, ba tháng nhận một lần. Tất cả các khoản chi tiêu đều trông chờ vào đồng tiền hỗ trợ ấy. Hỏi làm sao đủ tiền nuôi hai đứa mà chả đi bắt ốc, mò cua hả cô…”

   

Gặp cụ bà 90 tuổi mò cua bắt ốc nuôi thân ở Hà Nội - 4

Mọi vật dụng đều đơn xơ và cũ kỹ. Ảnh: Cù Hiền

Hai đứa con nhỏ đi học, nhà trường hỗ trợ giảm cho một nửa học phí. Nghẹn ngào trong nước mắt khi nghĩ đến mẹ, cô Tuyết nói: “Chị nói có trời chứng dám, mẹ chị đi mò cua, mò ốc. Mỗi ngày được 1,2 lạng. Nhà chị nghèo nhưng không bao giờ chị bắt mẹ chị phải đi làm những việc này. Nhưng cụ cứ nằng nặc đòi đi, chị không cản được…Ai không hiểu lại nói chị đối xử tệ với mẹ”. Nói rồi cô giàn giụa nước mắt.

Trong căn phòng tối và ẩm thấp rộng khoảng 20 m2, thứ giá trị nhất là chiếc ti vi cũ và một cái giường cho bốn bà cháu sinh hoạt. Trước đây, nhà cô còn không có nhà vệ sinh, không có nước sạch để dùng. Vừa qua, nhờ có thôn, xã quan tâm nên tạo điều kiện xây ủng hộ…”, nói rồi cô lại nghẹn ngào không nín được.

Bà Thanh, người cùng thôn chia sẻ khi nghĩ đến gia đình cụ Lộc: “Nhà cụ Lộc phải nói là nghèo nhất vùng này chứ không phải nhất xã. Hàng ngày, thương con, thương cháu, cụ vẫn cặm cụi đi mò cua, bắt ốc về bán lấy tiền cho cháu. Gia cảnh khó khăn lắm, nhưng họ rất tốt tính và hiền lành. Người quanh xóm cho ván gỗ, củi về đun vì lo nhà cụ không có, nhưng cụ nhất định đòi trả tiền. Nếu không trả tiền thì cụ sẽ không nhận. Gia cảnh tuy đói, rách nhưng không để tiếng xấu bao giờ, sống chẳng hại ai…”

Địa phương đã tạo điều kiện hết sức

Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng thôn Đống Chanh trầm giọng khi kể về gia đình cụ Lộc: “Từ rất lâu rồi, gia đình cụ thuộc diện hộ nghèo. Có cô Tuyết là con gái nhưng sức khỏe không ổn định, nên không làm được việc gì.

Sau khi có hai đứa con thì gia đình lại càng khó khăn. Chúng tôi đã tạo điều kiện hết sức. Mỗi tháng hỗ trợ cho cụ 350.000, hỗ trợ cho cô Tuyết 350.000, hai cháu nhỏ đi học cũng được giảm một nửa học phí. Nhưng nhà không làm ra tiền, hoàn cảnh éo le lắm.

Bất kỳ dịp lễ, tết, chúng tôi đều sắp sếp đưa gia đình cụ vào diện được nhận quà. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xin kinh phí để xây lại bờ tường rào, nhà vệ sinh cũng như lắp hệ thống nước sạch cho gia đình… Nhưng cũng chỉ bớt được phần nào gánh nặng. Rất mong các tấm lòng hảo tâm của mạnh thường quân tạo điều kiện giúp đỡ cho gia đình cụ”.

Sáng nay, một thành viên trong nhóm otofun đã đưa cụ đi làm lại chứng minh thư và lập tài khoản ngân hàng. Rất mong nhận được những tấm lòng hảo tâm từ các mạnh thường quâ, để cuộc đời này bớt đi những mảnh đời cơ cực.

Chia tay cụ mà trong lòng nghẹn ngào, biếu cụ chút quà nhưng nhất định cụ không nhận mà chỉ biết khóc. Thật cảm động cho những tấm lòng nghèo nhưng tấm lòng vẫn tươi sáng như cụ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cù Hiền (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN