CSGT Hà Nội “đau đầu” vì bãi xe vi phạm quá tải

Sự kiện: Thời sự

Rất nhiều chủ phương tiện không đến giải quyết, chấp nhận bỏ lại xe do mức phạt quá cao.

CSGT Hà Nội “đau đầu” vì bãi xe vi phạm quá tải - 1

Nhiều phương tiện ba bánh tự gióng chờ làm thủ tục thanh lý tại trụ sở Đội CSGT số 12

Dù CSGT nhiều lần gửi giấy mời song rất nhiều chủ phương tiện không đến giải quyết, chấp nhận bỏ lại xe do mức phạt quá cao. Bãi xe vi phạm vì vậy trở nên quá tải, phơi mưa nắng. 

Thiếu bãi trông giữ

Có mặt tại trụ sở Đội CSGT số 12, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội (đóng tại ngã ba Xuân Mai - Hòa Lạc), PV Báo Giao thông ghi nhận các phương tiện xe ba bánh tự gióng, xe công nông, kể cả máy trộn, tời bê tông, xe máy... bị tạm giữ không xác định được chủ phương tiện để ngổn ngang ngay trong sân trụ sở Đội. Đại uý Trương Việt Sơn, Đội phó Đội CSGT số 12 cho biết, từ thực tế công tác kiểm tra, xử lý trên đường, không chỉ xe tự gióng mà kể cả xe máy, nhiều chủ phương tiện thường mua xe giá rẻ, trong khi đó mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn lên tới 3- 4 triệu đồng nên nhiều chủ phương tiện sẵn sàng bỏ xe không đến giải quyết. Trong khi đó, Đội CSGT số 12 không có kho bãi trông giữ phương tiện, các phương tiện bị giữ đều được để ngay trong trụ sở Đội.

Tương tự, tại Đội CSGT số 10 (đóng tại quận Hà Đông được phân công đảm bảo giao thông tuyến QL21 vài chục km qua các huyện Thanh Oai, Ứng Hoà, Mỹ Đức) cũng không có kho bãi riêng. Trung tá Bùi Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 10 cho biết, mỗi khi tạm giữ phương tiện, nhất là tại các địa điểm giáp với tỉnh Hà Nam, CSGT đều phải đưa về địa bàn Hà Đông với quãng đường vài chục km, rất mất thời gian.

Chấp nhận bỏ xe vì... mức phạt cao

CSGT Hà Nội “đau đầu” vì bãi xe vi phạm quá tải - 2

Nhiều phương tiện bị tạm giữ, tịch thu để ngổn ngang tại bãi xe Hà Cầu - Thăng Long (quận Hà Đông, Hà Nội)

Theo Trung tá Bùi Văn Tiến, thực tế công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện tự gióng, xe ba bánh, xe lôi, xe kéo, xe máy cũ nát cho thấy, các phương tiện này đều chở hàng cồng kềnh như tôn lá, cọc sắt, thép ống... khi lưu thông trên đường rất nguy hiểm. “Số xe này đều không biển số, không có số máy, số khung hoặc bị tẩy xoá, lấy từ xe này lắp sang xe khác kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” nên nhiều khi không thể xác minh được chủ phương tiện hay xe tang vật. Nếu bị CSGT dừng xe kiểm tra xử lý thì hầu như chủ phương tiện đều bỏ lại xe. Từ đầu năm, Đội CSGT số 10 đã bắt giữ, tịch thu 39 xe ba bánh tự gióng và 15 phương tiện cũ nát do chủ phương tiện bỏ không đến giải quyết”, Trung tá Tiến thông tin.

Thiếu tá Nguyễn Đức Huấn, Đội phó Đội CSGT số 4 (đóng tại quận Hoàng Mai) cũng cho biết, qua công tác kiểm tra xử lý vi phạm cho thấy, do mức phạt cao, người điều khiển phương tiện, chủ xe bỏ xe không đến giải quyết. Hiện, Đội CSGT số 4 đang tạm giữ 233 xe môtô không rõ chủ sở hữu, 1 xe đạp, 2 xe xích lô, 68 xe ba bánh. Trong đó, Đội CSGT số 4 đã ra quyết định tịch thu 111 xe mô tô, 1 xe đạp, 1 xe xích lô, 41 xe ba bánh. Số còn lại đang xác minh làm thủ tục tịch thu.

Theo Đại úy Nguyễn Hồng Hải, Đội phó Đội CSGT số 12, tình trạng tương tự cũng diễn ra tại đây. Theo đó, Đội vẫn phải làm các thủ tục theo tuần tự như: Tra cứu qua biển số xe, gửi giấy mời đến người vi phạm 3 lần; Xác minh chủ phương tiện qua hệ thống đăng kí xe... Nhiều lần CSGT gửi giấy mời nhưng chủ phương tiện không đến giải quyết, CSGT sẽ tiến hành làm các thủ tục niêm yết danh sách tại trụ sở, đăng báo... “Thời gian để giải quyết xe tồn cũng phải mất từ 1-5 tháng, rất mất thời gian”, Đại úy Hải nói và cho biết, năm 2016, Đội CSGT số 12 đã làm thủ tục thanh lý 13 xe mô tô, 12 xe công nông, xe ba bánh tự gióng. Hiện, Đội đang làm thủ tục chuyển cơ quan chức năng thanh lý 14 xe công nông, xe ba bánh tự gióng.

Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, từ ngày 16/11/2015 - 15/11/2016, lực lượng CSGT toàn thành phố đã tổng kiểm tra, xử lý 8.863 trường hợp các loại xe chở hàng cồng kềnh, đồng thời đã làm thủ tục tiến hành thanh lý 1.991 phương tiện cũ nát, xe tồn, xe tự chế vi phạm giao thông mà chủ phương tiện không đến giải quyết hoặc không thuộc diện được trả.

Trung tá Bùi Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 10 cho biết, theo quy định, khi phát hiện phương tiện vi phạm, đối với xe tự gióng, xe ba bánh giả thương binh, CSGT sẽ tiến hành tạm giữ và làm thủ tục tịch thu. Còn đối với xe máy vi phạm thuộc các lỗi bị tạm giữ, CSGT sẽ lập biên bản và ra quyết định tạm giữ, viết giấy hẹn trong vòng 7 ngày. Trong vòng 30 ngày, người vi phạm không đến giải quyết, CSGT sẽ gửi giấy mời 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày.

Sau thời gian này, CSGT sẽ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng 3 lần, đồng thời dán niêm yết thông tin tại trụ sở tiếp dân của đơn vị. Nếu vẫn không ai nhận, trong vòng 1 tháng sau, cơ quan công an sẽ ra quyết định tịch thu, định giá và thành lập hội đồng bán thanh lý. Thông thường, thủ tục thanh lý 1 xe vi phạm là khoảng 3 tháng. "Rất khó để xử lý dứt điểm tình trạng xe tồn vì điều này phụ thuộc vào người vi phạm có đến giải quyết hay không", Trung tá Tiến nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Huế (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN