CSGT đang được sử dụng những công cụ hỗ trợ nào?

CSGT được trang bị 6 loại công cụ hỗ trợ trong đó có súng bắn đạn cao su. Loại súng này là công cụ hỗ trợ, không phải vũ khí.

Trang bị vũ khí cho CSGT: Đủ cơ sở pháp lý nhưng cần nghiên cứu

Báo cáo Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức ngày 28.12, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết, trong 5 năm (2011-2015) đã xảy ra 231 vụ chống CSGT làm 1 người hy sinh, 76 người bị thương. Riêng năm 2015 xảy ra 37 vụ chống CSGT làm 9 cảnh sát bị thương.

CSGT đang được sử dụng những công cụ hỗ trợ nào? - 1

Vụ việc CSGT Đội 5 Phòng CSGT TP Hà Nội bị tài xế xe tải đâm, kéo lê trên QL5 vừa qua là một trong những vụ chống đối CSGT nghiêm trọng năm 2015.

Để hạn chế tình trạng chống lại CSGT trong khi thi hành nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, tăng hình phạt với hành vi này nhằm đủ sức răn đe người vi phạm, đồng thời trong thẩm quyền của người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để bảo vệ bản thân trong những tình huống cụ thể theo đúng quy định pháp luật.

Trao đổi với PV về kiến nghị trang bị vũ khí cho lực lượng CSGT, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (V19 - Bộ Công an) cho rằng, CSGT là lực lượng vũ trang của Công an nhân dân nên đủ cơ sở pháp lý trang bị vũ khí.

“Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã có quy định lực lượng công an được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong các trường hợp cụ thể. Luật Công an nhân dân cũng quy định chung về trang bị, sử dụng vũ khí quận dụng, công cụ hỗ trợ, các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Ngoài ra, Nghị định Quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ cũng có quy định, hướng dẫn.

Nhìn chung về cơ sở pháp lý đã đủ. Tuy nhiên, việc trang bị, sử dụng như thế nào, ai được sử dụng thì phải phải nghiên cứu, tính toán để vừa đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống tội phạm vừa đảm bảo tính mạng cho người dân”, Thiếu tướng Trần Thế Quân nói.

Súng của CSGT không phải vũ khí

Trao đổi với PV, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, cán bộ CSGT Đội CSGT số 1 (Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện tại, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT được trang bị còi, gậy chỉ huy, bộ đàm, súng bắn đạn cao su, dùi cui điện, còng số 8.

CSGT đang được sử dụng những công cụ hỗ trợ nào? - 2

Lực lượng CSGT được trang bị 6 loại công cụ hỗ trợ trong quá trình làm nhiệm vụ.

Trong đó, bộ đàm, còi, gậy chỉ huy giao thông được lực lượng CSGT sử dụng làm nhiệm vụ chuyên ngành, cụ thể là công tác đảm bảo trật tự giao thông. Còn súng bắn đạn cao su, dùi cui điện, còng số 8 là những công cụ lực lượng CSGT sử dụng trong những trường hợp cảnh báo, ngăn chặn đối tượng có hành vi chống đối người thi hành công vụ, vi phạm pháp luật.

Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết, súng bắn đạn cao su lực lượng CSGT đang sử dụng là công cụ hỗ trợ, không phải vũ khí.

CSGT đang được sử dụng những công cụ hỗ trợ nào? - 3

Khẩu súng bắn đạn cao su trang bị cho lực lượng CSGT.

Theo thiếu tướng Trần Thế Quân, lực lượng CSGT chỉ sử dụng súng bắn đạn cao su để phòng vệ, chống lại các hành vi xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và chính bản thân chiến sĩ cảnh sát được pháp luật bảo vệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Tuấn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN