Công chức chửi bậy sẽ "không được nâng lương"

“Công chức chửi bậy, thô lỗ… bị coi như không hoàn thành nhiệm vụ và sẽ bị kỷ luật từ nhắc nhở tới không nâng lương”, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Thái độ cũng là nhiệm vụ

Ngày 29/5, UBND thành phố Hà Nội ra quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở. Theo đó, cán bộ công chức khi thực thi công vụ phải có thái độ lịch sự, tác phong chuyên nghiệp, nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, trang phục gọn gàng… Đặc biệt, quy chế quy định rõ cán bộ công chức không được nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt người khác…

Ông Thang Văn Phúc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, quy chế này là tốt vì xác định rõ phạm vi đạo đức công vụ, đạo đức công chức. Những quy định này là điều bình thường trong giao tiếp cơ bản nhưng có nhiều cán bộ công chức hay chửi bậy, coi nhiệm sở như quán bia nên phải ra quy định.

“Đáng ra công chức là người làm gương cho xã hội thì lại là người vi phạm những thói xấu đó”, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Công chức chửi bậy sẽ "không được nâng lương" - 1

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành quy chế văn hóa công sở, quy định cán bộ công chức phải có thái độ lịch sự, không nói tục, nói tiếng lóng…

Ông Phúc cho biết, trước đây rất lâu, Bác Hồ cũng đã nói công chức phải là công bộc, đầy tớ phục vụ nhân dân. Công chức chửi bậy là một thực tế, cần phải lên tiếng để giáo dục và răn đe.

Kết quả cuộc điều tra thực trạng văn hóa ứng xử tại các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nơi công cộng và khu dân cư ở Hà Nội cho thấy, 88% người được hỏi cho rằng cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp.

Ông Phúc nhận định, đây là điều đáng suy nghĩ. Công chức là người phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển nên luôn cần nở nụ cười, niềm nở hướng dẫn xã hội. Cán bộ công chức có thái độ thô lỗ, cục cằn là điều đáng báo động và phải cấm. Nếu họ không thay đổi cần phải bị kỷ luật. Thông qua giám sát và ý kiến của người dân, lãnh đạo quản lý trực tiếp công chức đó sẽ phải nhắc nhở hoặc phê bình, đặc biệt khi người dân đã lên tiếng.

“Công chức không thay đổi mà vẫn vi phạm như nói tục, thô lỗ… bị coi như không hoàn thành nhiệm vụ và sẽ bị kỷ luật từ nhắc nhở tới không nâng lương”, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Công chức chửi bậy sẽ "không được nâng lương" - 2

Công chức không được quát nạt, nói tục nơi công sở. Ảnh minh họa

“Tuyệt đối không được chửi bậy”

Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, nếp sống thanh lịch là truyền thống của người Hà Nội. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, nếp sống thanh lịch không được phát huy, kế thừa. Cách ứng xử “chưa đúng mực” của một số cán bộ công chức gây bức xúc cho người dân và là hình ảnh không đẹp nơi công sở. Trong khi đó, cán bộ công chức là những người đại diện cho Nhà nước, có vị trí, trình độ nên cần có ứng xử xứng đáng với vị trí của người cán bộ công chức Thủ đô.

Dù cán bộ công chức nổi nóng vì nguyên nhân khách quan, nhưng trong mọi tình huống nảy sinh, người cán bộ công chức phải xử lý tình huống khéo léo, nhã nhặn, bình tĩnh, kiên trì giải thích, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Nếu gặp phải người có thái độ không đúng mực, cán bộ công chức có thể từ chối xử lý công việc hoặc nhờ bảo vệ can thiệp. “Tuyệt đối không được chửi bậy, quát nạt”, ông Long nói.

Nói thêm về ngôn ngữ xưng hô, ông Long cho rằng, đồng nghiệp nơi công sở nên xưng "tôi", gọi người đối diện là "anh" hoặc "chị". Cách gọi này vẫn giữ được sự tôn trọng với người đối diện, đồng thời giữ được sự nghiêm túc nơi công sở.

Trong trường hợp cán bộ tiếp dân, tốt nhất nên gọi “anh, chị” xưng “tôi”. Tuy nhiên, những trường hợp chênh lệch quá lớn về tuổi tác có thể gọi “thưa bác”, “thưa cô”, xưng "tôi" hoặc "cháu". Cách xưng hô này giữ được sự tôn nghiêm nơi công quyền, đồng thời làm cho người cao tuổi vẫn thấy được sự tôn trọng khi đến làm việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng – Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN