Công an, bác sĩ phải bảo vệ người bán dâm

Sự kiện: Thời sự

Người bán dâm không dám tìm đến cơ quan chức năng để yêu cầu giúp đỡ vì họ sợ bị bắt, bị lộ thông tin cá nhân…

Ngày 22-9, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ dân số liên hiệp quốc tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand, hướng đến mục tiêu quản lý mại dâm hiệu quả ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng ở Việt Nam hành vi mua bán dâm bị cấm nên vấn đề đặt ra là tìm giải pháp nào vừa không khuyến khích, không chấp nhận nhưng phải kiểm soát được thực tế đang tồn tại và đảm bảo quyền con người cho họ.

Theo ông Đàm, kinh nghiệm của New Zealand cho thấy người hoạt động mại dâm có thể dựa vào cảnh sát và nhân viên y tế, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Người bán dâm không dám tìm đến cơ quan chức năng để yêu cầu giúp đỡ bởi họ sợ bị bắt, bị lộ thông tin cá nhân.

Tất cả những điều này khiến người bán dâm ở Việt Nam sợ công an, nhân viên y tế, thậm chí sợ cả chính quyền. “Vì vậy, muốn kiểm soát được người bán dâm chúng ta phải xích gần tới họ, đừng để họ chạy trốn mình. Bản thân người hoạt động mại dâm phải dựa được vào cơ quan quản lý nhà nước…”, ông Đàm nói.

Công an, bác sĩ phải bảo vệ người bán dâm - 1

New Zealand  từng là đất nước có nhiều điểm tương đồng trong quản lý hoạt động mại dâm. Ảnh minh họa

Trước câu hỏi liệu Việt Nam có không hình sự hóa mại dâm theo kinh nghiệm của New Zealand hay không, ông Đàm cho rằng hiện tại còn sớm để nói về vấn đề này.

“Theo tôi dù có hình sự hóa hay không thì vẫn cần có những quy định, chính sách làm thế nào để không bỏ rơi một ai ra ngoài lề xã hội. Dù người đó đang hoạt động mại dâm thì vẫn cần giúp đỡ, bảo vệ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận tất cả các dịch vụ y tế, tố cáo hành vi cưỡng bức…”, Thứ trưởng nói.

Theo ông Đàm, thời gian trình luật phòng chống mại dâm kéo dài từ nay đến 2020, vì vậy cần nghiên cứu kỹ và hết sức thận trọng, đến khi nào chắc chắn mới trình.

“Khó khăn nhất trong quá trình xây dựng luật là truyền thống văn hóa thuần phong mỹ tục của người Việt Nam ngàn đời nay không chấp nhận hoạt động này.

Bên cạnh đó, luật vừa đảm bảo quyền công dân mà vẫn đạt được mục tiêu phát triển, quản lý, ứng xử với vấn đề mại dâm ở VN hiện nay. Mong muốn đạt được là mại dâm không còn là nguy cơ đối với văn hóa, truyền thống, cản trở sự phát triển của đất nước, lan truyền các bệnh như HIV hay bệnh tình dục, chống mọi tội phạm liên quan đến mại dâm”- ông Đàm nhận định.

Theo lộ trình, năm 2016, Bộ Lao động -Thương binh và xã hội sẽ xây dựng báo cáo tổng quan đánh giá tác động của các chính sách pháp luật hiện hành về phòng, chống mại dâm; thành lập nhóm nghiên cứu xây dựng dự án Luật về mại dâm, xây dựng đề cương sơ bộ dự án Luật. Năm 2017, Bộ sẽ xây dựng dự thảo đề cương chi tiết sự án luật, lấy ý kiến hoàn thiện trình Chính phủ và đến 2018 sẽ trình Quốc hội phê chuẩn dự án Luật này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo VIẾT LONG (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN