“Cò” vé tàu lộng hành

Sự kiện: Vé tàu xe Tết 2019

Những ngày qua, hệ thống bán vé qua mạng của ngành đường sắt cập nhật hết vé một số chuyến tàu các ngày cao điểm Tết từ Sài Gòn đi miền Trung. Trong khi hành khách không thể mua được vé, hệ thống “cò mồi” bên ngoài nhà ga lại có nguồn vé dồi dào để chèo kéo.

“Cò” vé tàu lộng hành - 1

“Cò” vé tàu hoạt động rầm rộ trước ga Sài Gòn. Ảnh: PV

Chiều 29/12, cần mua vé tàu tết từ Sài Gòn đi Thanh Hóa, phóng viên đến ga Sài Gòn (quận 3, TPHCM) thì gặp gần chục “cò vé” chào mời ngay từ ngoài cổng. Ngồi ngay cửa ra vào bãi giữ xe của ga Sài Gòn, một phụ nữ chừng 30 tuổi tên T. luôn miệng chào mời mỗi khi thấy có người gửi xe máy để vào ga. “Vé tết không em? Em đi ngày nào, về đâu? Vào ga giờ này không còn đâu, đến đây chị lấy vé cho, ngày nào cũng có, giá nào cũng có”, bà T. chèo kéo. Thấy khách hàng không mặn mà, người này tiếp tục nhắn với theo: “vào ga không có thì ra chị lấy cho nhé”.

Vô tư… vé

Đúng như lời của T. chúng tôi vào ga Sài Gòn hỏi thì các chuyến từ Sài Gòn đi Thanh Hóa từ ngày 23-28 tháng Chạp (21-26/1/2017) đã hết vé. Một lúc sau, thấy khách đứng ngẩn ngơ trước cửa ra vào ga, người này tiếp tục đi vào chào mời và hứa sẽ có vé ngay. Nói xong, T. lấy điện thoại ra gọi cho một ai đó rồi báo lại: “Ngày 23 (tháng Chạp) em muốn đi vé nào? Ghế cứng chạy buổi chiều giá 1.100.000 đồng; ghế ngồi mềm 1.300.000 đồng thôi. Còn giường nằm, tàu nhanh cũng chiều 23 giá 1.600.000. OK thì chị lấy vé cho, chỉ cần trả thêm 300.000 tiền cò”, người này nói.

Để tạo lòng tin cho khách, người này chỉ về người đàn ông đang ngồi phía trước cho biết mới bán cho người đó 4 vé cũng chuyến từ Sài Gòn đi Thanh Hóa vào chiều 23 tháng Chạp. “Anh này vừa lấy bốn vé về Thanh Hóa như em nè. Vé trong ga nay không còn nhưng chị lấy được, em yên tâm. Nếu sợ vé giả thì đưa chứng minh thư cho chị đặt rồi vào ga lấy vé xong ra trả tiền cò cho chị là được”, bà T. tiếp tục.

Chúng tôi nói “trong ga báo hết vé, trên trang web của công ty cũng đã kín chỗ, em vừa gọi tổng đài cũng báo hết vé rồi sao chị đặt được”. Nghe vậy, một thanh niên khác cũng là “cò vé” ngồi bên cạnh lên tiếng: “Trên web hết là cái chắc rồi. Giờ em vào ga cũng không mua được đâu. Giờ này thì chỉ bọn anh mới có vé thôi. Lấy cách nào không quan trọng, miễn có vé cho em là được. Bỏ thêm có 300 nghìn tiền cò mua được vé ngay. Nếu không tin thì cứ cầm chứng minh thư vào ga lấy vé xong rồi ra trả tiền “cò” sau”, thanh niên này khẳng định.

Không chỉ nhóm của T. hoạt động tại khu vực bãi giữ xe và quán cà phê nằm trong khuôn viên ga Sài Gòn, ngay tại cổng ra của ga cũng có một nhóm khác từ 5 đến 7 người luôn chầu chực chào mời khách mua vé tàu Tết. Những người này khẳng định vé ngày nào cũng có, từ giường nằm đến ghế ngồi mềm, ghế ngồi cứng điều hòa. Chỉ cần trả thêm cho họ từ 250-300 nghìn đồng là lấy được vé ngay hoặc đưa số chứng minh thư và đặt tiền cọc, khi nào có vé sẽ báo cho khách đến lấy.

Mất tiền oan vì tin lời “cò”

Theo tìm hiểu, đa số vé “cò” bán ra do những người này lên website của ngành đường sắt đặt hàng loạt vào thời điểm mới bán vé. Thông tin được bảo lưu trong vòng 72h mới thanh toán tiền nên cứ gần đến giờ hết hạn, “cò” lại hủy vé rồi canh me đặt lại. Khi có khách mua, “cò” sửa tên trên website rồi in ra bán nhưng không khớp với thông tin đã đăng ký.

Vì tin lời chào mời của hệ thống “cò mồi” này, nhiều người đã phải ngậm trái đắng khi bỏ ra hàng chục triệu mua vé tàu Tết cho cả gia đình về quê. Nhiều người khi đem vé đến ga để kiểm tra thì mới phát hiện đó là vé tàu giả. Khốn khổ khi bị nhóm “cò vé” lừa mất hơn 6 triệu đồng khi mua vé bên ngoài nhà ga, chị N.T.D (35 tuổi, quê Hà Nội) kể: “Chiều 11/12, tôi đến một đại lý nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường 9, quận 3 TPHCM hỏi mua 4 vé tàu tết về ngày 24/1/2017 (27 tháng Chạp). Sau một hồi ngồi tìm kiếm trên mạng, nhân viên thông báo có vé cho chị với tổng số tiền là 6,2 triệu đồng, yêu cầu chị đặt cọc 2 triệu đồng và hứa ngày hôm sau có vé”.

Thế nhưng, theo chị D., đến ngày 12/12, chị đến đại lý lấy vé thì nhân viên ở đây in thông tin gồm họ tên, số chứng minh thư, số ghế… lên tờ giấy A4 rồi đưa cho chị. Thấy vé không như bình thường, chị D. vào ga Sài Gòn nhờ nhân viên kiểm tra thì được thông báo đây là vé giả, toàn bộ thông tin không khớp với người đăng ký. Sau một thời gian điều tra, công an đã bắt 3 đối tượng bán vé giả cho chị D. Những người này khai in vé giả bán để kiếm lời 200 nghìn đồng/ vé. “Đi làm cả năm tích góp được ít tiền tính mua vé tàu về quê ăn tết với gia đình vài ngày. Không ngờ lại bị “cò” lừa mất hết, giờ tôi không biết kiếm tiền đâu để mua vé khác”, chị D. nói.

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn - Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, trong thời gian qua, nhân viên của công ty đã phát hiện hàng chục vé tàu Tết của hành khách là vé giả. Theo ông Văn, các thông tin trên vé giả không trùng khớp với thông tin được đăng ký trên website của ngành đường sắt. “Đây là số vé do hành khách mua của hệ thống “cò mồi” bên ngoài nhà ga”- ông Văn nói và dẫn chứng: Ngày 11/12, hành khách tên H.V.T đem chứng minh thư và bốn vé tàu tết từ Sài Gòn đi Huế vào ngày 25/1/2017 (28 tháng Chạp) đến nhờ nhân viên kiểm tra thì phát hiện toàn bộ thông tin của bốn vé không khớp với đăng ký trên website của ngành đường sắt. Hỏi ra mới biết người này mua vé bên ngoài nhà ga”. Nhiều trường hợp khác cũng rơi vào cảnh tương tự như vậy.

“Cò” vé tàu lộng hành - 2

Vé tàu tết giả được “cò” bán cho hành khách.

Trao đổi với phóng viên, ông Văn cho biết, hiện nay nhiều chặng tàu từ Sài Gòn đi miền Bắc, miền Trung vào các ngày cao điểm đã hết vé. Mỗi ngày có khoảng 150 vé được đặt rồi đến trả lại nên hành khách vẫn có thể tìm đặt được trên mạng. Tuy nhiên, vé trả lại không được cập nhật ngay mà vào một thời điểm nhất định nào đó trong ngày nên việc đặt một lúc nhiều vé như lời “cò” là rất khó. Mánh khóe bán vé của “cò” là lên trang web bán vé của ngành đường sắt đặt chỗ với thông tin cá nhân của bất cứ ai đó. Đến khi tìm được người mua vé, “cò” sẽ thay đổi thông tin như họ tên, số chứng minh thư rồi in ra đưa cho khách để ăn chênh lệch.

Theo chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, hiện chỉ còn vé đi từ Sài Gòn, Biên Hòa đến Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội… vào thời gian trước Tết từ ngày 17-19 và 26/01/2017 (20-22 và 29 tháng Chạp), các ngày 23-28 tháng Chạp đã hết vé. “Cò mồi” luôn khẳng định vé ngày nào cũng có, kể cả giường nằm, ghế ngồi cứng hay ghế ngồi mềm là không đúng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngô Bình (Tiền Phong)
Vé tàu xe Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN