Chuyện xây hải đăng ở Trường Sa giờ mới kể

Sự kiện: Thời sự

Hơn 4 tháng sửa chữa hải đăng Đá Lát, chúng tôi thường xuyên phải treo mình chơi vơi ở độ cao 30 - 40m...

Chuyện xây hải đăng ở Trường Sa giờ mới kể - 1

Công nhân gác hải đăng Song Tử Tây - Trường Sa

Nhiều năm đã qua nhưng CBCNV Công ty CP Xây dựng công trình Hàng hải miền Nam (tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng công trình 251), thuộc TCT Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam vẫn nhớ như in những ngày tháng vượt trùng khơi đi xây dựng các ngọn hải đăng nơi quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Với họ, đây là những tháng ngày chất chứa nhiều kỷ niệm và đặc biệt ý nghĩa trong cuộc đời.

Hải đăng Trường Sa Lớn, Đá Lát và những kỷ niệm khó quên

Trường Sa Lớn là đảo đầu tiên trong khu vực quần đảo Trường Sa mà Công ty CP Xây dựng công trình Hàng hải miền Nam được giao nhiệm vụ xây dựng trạm hải đăng vào năm 2009. “Vạn sự khởi đầu nan”, việc thi công gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, nhất là việc vận chuyển vật tư, máy móc, thiết bị từ đất liền ra đảo. Những lúc bão lớn, tàu phải neo đậu trú bão hoặc di chuyển theo cung đường vòng, xa hơn rất nhiều.

Anh Nguyễn Y Vận, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật đơn vị chia sẻ, địa hình xây dựng hải đăng Trường Sa Lớn khá phức tạp. Công trình nằm trên rìa các rạn san hô. Để đào móng, đóng cọc, xây bờ kè, những cán bộ, công nhân phải sử dụng một khối lượng lớn đá hộc, bao cát chắn. “Chúng tôi phải canh từng con nước và tranh thủ từng giờ, từng phút để làm vì có khi cả ngày, chỉ thi công được vài giờ vì sóng lên cao”, anh Vận kể và cho biết thêm, khi móng và bờ kè xây xong, đến giai đoạn xây cất trạm, lại trực tiếp đối mặt với những cơn gió lớn ở độ cao chênh vênh (tháp đèn Trường Sa Lớn cao 32m) giữa bốn bề sóng, gió.

"Khi hải đăng Trường Sa Lớn khánh thành, bao nhiêu thử thách, hiểm nguy của 6 tháng trời thi công ròng rã bỗng tan biến. Chúng tôi ai nấy đều lâng lâng niềm vui sướng và tự hào. Bởi, từ đây, tàu thuyền qua lại đảo Trường Sa Lớn sẽ an toàn hơn. Điều thiêng liêng hơn cả, hải đăng Trường Sa Lớn chính là một trong những cột mốc vững chãi, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Anh Nguyễn Y Vận
Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty CP Xây dựng công trình hàng hải miền Nam

Với hải đăng Đá Lát nằm ở cực Tây quần đảo Trường Sa, từ xa nhìn lại, trạm đèn chỉ là một tháp bằng sắt đứng chơ vơ giữa biển, trời. Những khắc nghiệt của khí hậu biển khiến nhiều thanh sắt, đầu nối thanh ngang cầu thang hoen gỉ, cần phải sửa chữa, duy tu để tháp đèn đứng vững và đảm bảo an toàn cho anh em công nhân gác đèn biển.

Những người đi xây hải đăng Đá Lát kể: Năm 2010, khi nhận nhiệm vụ, các CBCNV công ty đã xác định được mức độ gian khổ và nguy hiểm khi tiến hành sửa chữa, gia cố trên tháp đèn có độ cao 40m giữa biển khơi. Thế nhưng, không một phút chần chừ, đoàn CBCNV tức tốc ra đảo. Tất cả có 8 CBCNV trong Đội cùng với 4 công nhân gác đèn biển ăn ở, sinh hoạt trong căn phòng vỏn vẹn 28m2.

“Thức ăn chủ yếu là đồ hộp, đồ khô. Nước ngọt tại trạm cực hiếm. Ai cũng phải dùng tiết kiệm, ưu tiên cho nấu ăn và đun nước uống. Những ngày nắng đẹp, mỗi người một công một việc, hăng say quên cả khổ cực. Còn khi mưa bão, biển động, 12 con người đứng không được, ngồi cũng không yên. Gió giật khiến tháp rung lắc, sóng lớn tạt nước ướt hết cả phòng. Càng những lúc như vậy, chúng tôi thấy mình bản lĩnh hơn, thấy công việc mình làm thêm ý nghĩa hơn và thấy tình anh em, đồng chí đáng giá vô cùng”, một công nhân đội xây dựng xúc động kể.

Anh Nguyễn Duy Luật, Chủ tịch Công đoàn, Đội trưởng Đội công trình đơn vị cho biết: “Hơn 4 tháng sửa chữa, gia cố hải đăng Đá Lát, chúng tôi thường xuyên phải treo mình chơi vơi ở độ cao 30 - 40m so với mặt nước biển, phải dùng sức người kéo từng thanh sắt nặng 200 - 300kg. Không lúc nào được lơ là, mất cảnh giác trước từng thay đổi nhỏ của sóng, của gió để kịp thời neo giữ các thanh sắt, đảm bảo an toàn cho công trình và cả tính mạng của bản thân, đồng đội”.

Và chuyện đón Tết nơi đảo xa

Đi xây dựng những công trình nơi hải đảo xa, thật khó để biết trước lịch trình và tiến độ như trong đất liền. Ông Mai Viết Thuật, Phó giám đốc, kiêm Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Xây dựng công trình Hàng hải miền Nam nhớ lại: “Khi xây dựng hải đăng Sinh Tồn năm 2011, do điều kiện đảo xa khắc nghiệt, tiến độ hoàn thành công trình bị chậm so với dự định. Đến khi trạm đèn hoàn thành, tàu Hải Đăng 05 ra tiếp tế lương thực và đưa công nhân đèn biển ra các đảo thay ca lại gặp trục trặc, hỏng máy giữa đường, không thể tiếp tục hành trình đến Sinh Tồn. Tâm lý con người khi đi xa công tác, xong công việc, ai cũng muốn về nhà ngay. Lúc đó, Tết Nguyên đán sắp đến gần. Vậy mà, các anh trong Đội xây dựng phải ở lại đảo, trong khi lương thực đã cạn kiệt. Đây thật sự là một thử thách tinh thần với toàn đội”.

Thế nhưng, cái Tết ở đảo Sinh Tồn, xa đất liền hàng trăm hải lý đã trở thành một kỷ niệm khó quên với Đội Thi công công trình hải đăng Sinh Tồn. Anh em được các đồng chí bộ đội sẻ chia lương thực, quan tâm, động viên những lúc khó khăn, thiếu thốn. Trong đất liền, công ty hàng ngày cũng gọi điện thăm hỏi, nhanh chóng gửi nhu yếu phẩm, các hương vị ngày Tết ra đảo. Tình cảm ấm áp của đồng đội, đồng chí, của người thân, bạn bè đã làm đầy thêm không khí ngày Tết, xóa mờ khoảng cách địa lý giữa hải đảo và đất liền, thắp lên niềm tin yêu con người và cuộc đời trong trái tim của mỗi người.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình phục vụ công tác vận hành hệ thống báo hiệu đèn biển và hệ thống báo hiệu luồng hàng hải cho tàu biển; Xây dựng, sửa chữa công trình dân dụng và công nghiệp phục vụ ngành Hàng hải; Xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn hàng hải; Thiết kế công trình cảng - đường thủy; Giám sát công tác xây dựng và hoàn thiện công trình thủy… Suốt 10 năm qua, CBCNV công ty luôn hoàn thành xuất sắc nhiều công trình trọng điểm, đòi hỏi kỹ thuật cao của ngành”, ông Thuật nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Sơn (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN