Chuyện "kiều nữ cưỡng dâm": Ai sẽ bị xử lý?

Nếu chuyện “người phụ nữ lạm dụng tình dục tài xế” có thật, người này phạm tội gì? Nếu đó là tin đồn, ai là người bị xử lý? Đưa tin về đời sống tình dục của một ai đó liệu có phải là sự xâm phạm đời tư?

Đại tá Bùi Ngọc Phi (Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương) cho biết, cơ quan này đang điều tra thông tin về chuyện kiều nữ cưỡng dâm tài xế taxi lan truyền trên internet mấy ngày qua.

Trả lời chúng tôi, Đại tá Phi cho hay, trước thông tin có thể gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an TP. Hải Dương làm rõ sự việc để xử lý. Tuy nhiên hướng xử lý thế nào nếu thông tin đúng hoặc sai, Công an tỉnh Hải Dương vẫn chưa nêu quan điểm.

Ở một góc độ khác, nhiều người vẫn đặt câu hỏi về vấn đề pháp lý xung quanh câu chuyện này. Nếu câu chuyện là có thật, kiều nữ có vi phạm pháp luật? Nếu chỉ là tin đồn, ai sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý thế nào?

Nếu có thật, kiều nữ phạm tội gì?

Luật sư Tạ Ngọc Sơn (Giám đốc Công ty Luật Kosy, Hà Nội) cho rằng, nếu chuyện đó là thật, vẫn rất khó có cơ sở để quy kết người phụ nữ kia vi phạm pháp luật.

"Không thể nói rằng chị ta hiếp dâm. Cưỡng dâm càng không phải." - Luật sư Sơn nói.

Theo ông Sơn, đàn bà muốn quan hệ với đàn ông, phải có sự thỏa thuận từ 2 phía. Thuốc kích dục chỉ có thể kích thích một lần. Thuốc để kích dục không thể có tác dụng với một người đàn ông suốt 2 ngày được nếu như bản thân anh ta không muốn.

Luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý, Hà Nội) cho biết, theo luật pháp Việt Nam, phụ nữ chưa được coi là chủ thể về tội hiếp dâm được. Phụ nữ chỉ bị quy tội hiếp dâm trong vai trò là người đồng phạm, giúp sức của chủ thể nam hiếp dâm nào đó. Kể cả việc cho tài xế uống thuốc kích dục và khống chế để quan hệ tình dục là có thật, người phụ nữ vẫn không bị coi là phạm tội hiếp dâm hay cưỡng dâm.

Chuyện "kiều nữ cưỡng dâm": Ai sẽ bị xử lý? - 1

Luật sư Lê Văn Kiên

Tuy nhiên, theo luật sư này, người phụ nữ có thể bị xem xét về hành vi phạm tội khác nếu như việc đó làm tổn hại sức khỏe, tâm lý của các tài xế taxi. Đó là hành vi "cố ý gây tổn hại sức khỏe co người khác". Tất nhiên, các tài xế phải chứng minh được và mức độ tổn hại đủ mức nghiêm trọng.

Nếu thông tin đó là bịa đặt, luật sư Kiên cho rằng, người phụ nữ có thể làm đơn đề nghị cơ quan công an khởi tố những người tung tin về tội vu khống. Nhưng cơ quan phải làm rõ, ai là người đưa ra thông tin này, với mục đích gì.

"Nếu chuyện không có thật, gây thiệt hại nghiêm trọng về uy tín danh dự, thì vụ việc có dấu hiệu hình sự. Các tài xế nói ra chuyện đó là đối tượng phải chịu trách nhiệm." - Luật sư Kiên nói.

Có xâm phạm đời tư?

Theo Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty Luật Inteco, Hà Nội), nếu đó là tin đồn, có 2 đối tượng bị xem xét. Đó là những người đưa ra tin đồn và người viết bài.

Trong trường hợp người viết bài chỉ đưa tin dựa theo lời kể của một số người, không bình luận, không quy kết, không có mục đích xấu và chứng minh được những người kể là có thật, thì không thể nói rằng anh ta vi phạm pháp luật. Người phải chịu trách nhiệm ở đây chính là những người đã cung cấp thông tin đó cho nhà báo.

Chuyện "kiều nữ cưỡng dâm": Ai sẽ bị xử lý? - 2

Luật sư Hà Huy Phong

Cơ quan pháp luật sẽ phải xem xét câu chuyện của các tài xế đúng sai đến mức nào, mục đích của những người kể chuyện là gì, thiệt hại của nạn nhân trong tin đồn ra sao,... Tùy mức độ, những người kể chuyện mới có thể bị xem xét về tội vu khống.

Luật sư Phong phân tích: Tường thuật, đưa tin phản ánh là nghiệp vụ của nhà báo. Ở đây, khi nhà báo đăng tải đã nói rõ đó là lời kể của một số tài xế taxi. Có thể nhà báo đánh giá chưa chuẩn về đề tài, sai nghiệp vụ dẫn đến thông tin thiếu chuẩn mực, khi đó nhà báo sẽ bị cơ quan quản lý báo chí, tòa soạn xử lý. Nhưng không thể coi là nhà báo vu khống, bôi nhọ ai đó hay vi phạm hình sự.

Luật sư Tạ Ngọc Sơn cũng thừa nhận, đó có thể là tin đồn của người này người nọ. Người viết bài mắc lỗi nghiệp vụ, không kiểm chứng thông tin kỹ càng. Mặt khác, đôi khi báo chí quá đà, đưa tin giật gân câu khách. Nếu người viết bài vi phạm, chỉ có thể bị xử phạt về mặt quản lý báo chí. Bởi kiểu đưa tin này dễ bị lợi dụng, vô tình giúp sức cho những kẻ có ý đồ đen tối nào đó.

Trước một số ý kiến cho rằng, báo chí đăng tin như vậy là vi phạm đời tư, Luật sư Hà Huy Phong bác bỏ quan điểm này. Theo luật sư Phong, nghề báo là nghề đặc thù. Nhà báo có quyền săn tin, xử lý thông tin và đưa tin. Nếu đó là chuyện nội bộ gia đình người ta, mới bị coi là xâm phạm đời tư. Nhưng đây là câu chuyện mang yếu tố xã hội, liên quan nhiều người, được nhiều người tại một địa phương nói đến. Nếu có thật, nó có thể ảnh hưởng đến số đông.

Còn theo luật sư Lê Văn Kiên, đôi khi báo chí đưa tin chỉ đơn thuần để phản ánh một hiện tượng xã hội có yếu tố kỳ lạ, hiếm thấy. Có điều, tùy mức độ đúng sai mà xem xét. Ở Việt Nam, vấn đề tình dục vẫn là chuyện nhạy cảm nên nhiều người thấy nặng nề.

“Báo nước ngoài nhiều khi vẫn đưa tin một phụ nữ cụ thể nào đó ngủ với hàng trăm đàn ông. Đưa tin như vậy là điều bình thường.” – Luật sư Kiên nói.

Trước đó, một tờ báo đưa tin về một phụ nữ “lạm dụng tình dục” rất nhiều tài xế taxi tại TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Theo thông tin đăng tải lời kể của các tài xế, người phụ nữ đã gọi điện đến tổng đài thuê taxi. Khi các tài xế đến nơi, người này đã tìm cách dụ dỗ, mê hoặc, thậm chí lừa uống thuốc kích dục rồi làm dụng tình dục. Có tài xế còn bị giữ lại nhà, ép quan hệ đến mấy ngày làm kiệt quệ sức lực, tâm lý hoảng loạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN