Chuyên gia khói lửa bỏ nghề tránh tử nghiệp

Trước đây Hãng phim truyện VN có hẳn một ban khói lửa nhưng nay hầu hết đều đã bỏ việc do công việc nguy hiểm, lương thấp, chỉ còn duy nhất 1 người trụ với nghề.

Làm phim chiến tranh với những cảnh khói lửa hoành tráng nhưng các đoàn làm phim dù có giấy phép sản xuất cũng vô cùng vất vả khi tìm mua chất nổ để phục vụ các cảnh quay.

Vụ nổ kinh hoàng phát ra từ nhà Phương "khói lửa" tại TP.HCM cách đây vài ngày khiến giới làm phim, đặc biệt là những người làm phim chiến tranh bàng hoàng. Sự vụ đau lòng này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tính an toàn trên trường quay, đặc biệt là những bộ phim có nhiều cảnh cháy nổ, có khả năng sát thương cao.

Chuyên gia khói lửa bỏ nghề tránh tử nghiệp - 1

Việc mua chất nổ phục vụ các cảnh quay không đơn giản

Đặc biệt, trong các bộ phim đề tài chiến tranh cần những bối cảnh lớn và những cảnh cháy nổ thì càng nguy hiểm hơn. Còn nhớ, khi thực hiện phim Dòng máu anh hùng (2006), diễn viên Lê Quang bị cây súng dội ngược đạn vào mắt khiến anh bị thương, dẫn đến chuyện kiện cáo không hay sau đó.

Mặc dù số lượng phim về đề tài chiến tranh hoặc các cảnh cháy nổ xuất hiện trên phim tương đối nhiều nhưng những người làm công việc này lại rất ít do tính nguy hiểm cũng như đòi hỏi chuyên môn cao. Tại Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Nhà nước thường xuyên thực hiện các bộ phim lớn về đề tài chiến tranh hiện nay chỉ có duy nhất 1 một người đảm nhiệm công việc này. Đó là kỹ thuật viên phụ trách khói lửa Phan Quang Bích.

Nhà quay phim Lý Thái Dũng, PGĐ Hãng phim truyện VN cho biết trước đây Hãng phim truyện VN có hẳn một ban khói lửa nhưng nay tất cả đều đã bỏ việc do công việc nguy hiểm, lương thấp, chỉ còn duy nhất 1 người trụ với nghề.

Được biết, ngay sau tin Phương khói lửa gặp nạn, ông Bích rất buồn, ông đóng chặt cửa với báo chí và không tiếp xúc với ai. Thậm chí, vợ ông còn bắt chồng bỏ nghề vì e nếu tiếp tục với công việc này sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.

Tuy nhiên, theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, người vừa hoàn thành bộ phim chiến tranh "Những người viết huyền thoại" thì việc tạo ra những cảnh cháy nổ nếu tôn trọng nguyên tắc an toàn thì sẽ không xảy ra bất cứ mối nguy hiểm nào. Nguyên tắc là xong mỗi cảnh, dù thừa hóa chất và chất nổ thì tiến hành hủy ngay để tránh gây hậu quả đáng tiếc.

Chuyên gia khói lửa bỏ nghề tránh tử nghiệp - 2

ĐD Bùi Tuấn Dũng (áo đỏ) trên phim trường "Những người viết huyền thoại"

Bùi Tuấn Dũng cũng tiết lộ trong quá trình thực hiện bộ phim "Những người viết huyền thoại", trước khi mua được thuốc nổ từ Bộ Quốc phòng, chuyên gia khói lửa của phim đã phải tự mua hóa chất để tự chế các cảnh liên quan đến diễn viên để đảm bảo an toàn.

Việc tiến hành mua thuốc nổ từ Bộ Quốc Phòng cũng không đơn giản do đây là vật liệu cấm, thời điểm quay lại vướng Nghị định số 25/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nên phải chờ đợi rất lâu, với nhiều công văn yêu cầu của Bộ VHTTDL và Bộ Tổng tham mưu mới mua được thuốc nổ để phục vụ các cảnh lớn. Do vậy, khi phim đã quay được 2/3 bối cảnh đoàn mới có được lượng thuốc nổ khoảng 100kg để phục vụ các bối cảnh lớn.

"Việc mua thuốc nổ rất khó khăn, phải có công văn và hợp đồng đàng hoàng, dùng xong là phải thanh lý ngay. Thuốc nổ là thứ không có gì đáng sợ nếu biết sử dụng hợp lý. Đánh cảnh nào thì dùng hết thuốc nổ cảnh đó, dư thì hủy luôn chứ không mang đi chỗ khác. Nguyên tắc đầu tiên là hủy. Hóa chất và phụ gia rất rẻ nên quan trọng là phải tuân thủ quy chuẩn an toàn", Bùi Tuấn Dũng nói.

Chuyên gia khói lửa bỏ nghề tránh tử nghiệp - 3

Không có bảo hiểm, các diễn viên phải mạo hiểm trước những cảnh cháy nổ

Nhà quay phim Lý Thái Dũng cho hay thời điểm thực hiện "Những người viết huyền thoại" và "Mùi cỏ cháy", các đoàn làm phim rất chật vật trong việc lo vật liệu nổ vì vướng Nghị định của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Do nghị định này bỏ sót ngành sân khấu điện ảnh nên Hãng phim truyện VN lại phải làm rất nhiều công văn nhờ Cục điện ảnh và Bộ VHTTDL can thiệp để mua được vật liệu nổ. Dù có quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Bộ Tổng tham mưu đề nghị giúp đỡ 2 đoàn làm phim nhưng không đâu bán thuốc nổ cho Hãng để làm phim cả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Vy (Vietnamnet)
Nổ kinh hoàng lúc nửa đêm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN