Chuyên gia hiến kế thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân

Tiến sĩ Trần Hữu Minh cho rằng, cần phải xây dựng mạng lưới đi bộ song song với phát triển phương tiện giao thông công cộng trước sau đó mới tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân…

Mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề xuất lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông. Ông Chung nêu, bình quân hằng tháng Hà Nội có 18.000 - 22.000 xe máy, 6.000 - 8.000 ôtô đăng ký mới. Ông Chung nói rằng, với tốc độ như vậy, khoảng 4-5 năm tới, giao thông Thủ đô sẽ rất phức tạp nếu không có giải pháp quyết liệt từ lúc này.

Chuyên gia hiến kế thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân - 1

Vào giờ cao điểm giao thông Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc

Ưu tiên phát triển giao thông công cộng trước

Tiến sĩ Trần Hữu Minh, chuyên gia về GTVT cho rằng việc Hà Nội và TP HCM đề xuất giải pháp quản lý phương tiện vận tải cá nhân trong thời gian tới là bước đi phù hợp với xu thế phát triển thế giới, yêu cầu đặt ra từ thực tế. Tuy nhiên, cần giải thích rõ về nội dung, cách làm, lộ trình...để người dân hiểu và ủng hộ.

Ông Minh dẫn chứng tại phần lớn các đô thị lớn, kể cả đang phát triển và phát triển trên thế giới, đi bộ  có thể chiếm 10-20% số chuyến đi; xe đạp có thể đảm nhận tới 15-20% tổng số chuyến đi như tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Berlin (Đức), Delhi (Ấn Độ), London (Anh)...Thậm chí, tại thành phố vương quốc của xe ô tô như New York, Sanfrancisco, Washington (Mỹ) thì tỷ lệ đi bộ và xe đạp cũng đều trên 10%; vận tải công cộng chiếm từ 20-60%.

Ông Minh cho rằng, thời điểm này Hà Nội nên ưu tiên phát triển dịch vụ vận tải công cộng trước, trọng tâm trước mắt là tạo nên một mạng lưới cho người đi bộ liên thông, thuận tiện, an toàn, sạch sẽ, thân thiện với môi trường. Tại Hà Nội, có thể nghiên cứu dành thêm không gian mặt đường trên một số hành lang rộng rãi, quan trọng của thành phố (như Nguyễn Trãi – Quốc lộ 6, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh…) để làm vỉa hè cho người đi bộ. 

“Các đô thị được quy hoạch và thiết kế với mục đích cuối cùng là để phục vụ con người chứ không phải phục vụ phương tiện và đi bộ là một trong những nhu cầu cơ bản, phổ biến nhất của tất cả các tầng lớp dân cư, cần được đáp ứng trước tiên. Phát triển không gian đi bộ là giải pháp đơn giản, dễ làm nhất, đồng thời đem lại những lợi ích rất tốt cho sức khỏe của cộng đồng, nên được ưu tiên hàng đầu”, ông Minh nói

Theo ông Minh, không thành phố nào có thể xây dựng các tuyến vận tải hành khách công cộng đến tận nhà từng người dân. Bởi vậy, đi bộ hoặc đi các phương tiện khác đến nhà ga vận tải công cộng là rất phổ biến.

Sau khi đã điều chỉnh một phần không gian đường phố cho vỉa hè, sẽ tiếp tục ưu tiên, nâng cấp chất lượng vận tải hành khách công cộng trên các trục chính; các tuyến đường thường xuyên tắc nghẽn như Nguyễn Trãi; Cầu Giấy; Lê Văn Lương…Ngoài ra sẽ dùng các công cụ về kinh tế, quản lý, truyền thông để phối hợp cùng nhau, nhằm tác động đến hành vi sử dụng của người dân sẽ đem lại kết quả tốt hơn. 

Chuyên gia hiến kế thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân - 2

Tiến sĩ Trần Hữu Minh

Hạn chế xe cá nhân, người dân đi bằng gì?

Ông Minh cho hay, khi dịch vụ vận tải công cộng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại trên trục đường chính, đấy là lúc có thể thực hiện giải pháp hạn chế xe cá nhân. Đối với các chuyến đi vào hoặc ra nội thành vào ngày làm việc, người dân sử dụng loại hình vận tải dịch vụ công cộng (xe buýt, xe buýt nhanh, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao).

Trong trường hợp các tuyến phố, đường ngõ ngách hẹp, dài, có thể phát triển dịch vụ xe đạp công cộng để mở rộng phạm vi thu hút của vận tải công cộng. Đây là giải pháp đã được áp dụng thành công tại Trung Quốc trong giai đoạn người dân chuyển từ xe máy sang vận tải công cộng. 

Với những chuyến đi dã ngoại, về quê, mua sắm cuối tuần… có quãng đường xa, người dân sẽ sử dụng phươnng tiện ô tô để thuận tiện, chủ động. Còn với những quãng đường ngắn, người dân sẽ đi bộ hoặc bằng xe đạp.

“Kết quả của nhiều cuộc khảo sát phỏng vấn điều tra xã hội học tại cả Hà Nội và TP HCM cho thấy người dân phản hồi rất tích cực của cộng đồng về lựa chọn vận tải công cộng nếu chất lượng dịch vụ này được nâng lên”, ông Minh chia sẻ.

Theo ông Minh, ngoài những yếu tố trên cần kết nối hợp lý giữa các phương tiện đi lại khác như đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia với xe buýt, xe đạp công cộng, đi bộ, taxi và xe khách liên tỉnh, xe cá nhân tại các quỹ đất cho giao thông hiện tại. Như vậy, phương tiện vận tải hành khách công cộng sẽ phát huy được thế mạnh, đem lại hiệu quả lớn.

Kèm theo việc phát triển không gian đi bộ, cần xây dựng quy định pháp luật và chế tài xử lý vi phạm cho tất cả các tình huống có liên quan việc hạn chế phương tiện cá nhân. Những vi phạm mà ai cũng có thể mắc phải thì không nên phạt nặng ngay lần đầu tiên. Nhưng nếu có dấu hiệu tái vi phạm, cố tình vi phạm, cố tình chống người thi hành công vụ thì phải phạt thật nặng để bảo đảm tính nghiêm minh và sức mạnh của luật pháp.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, hiện nay, giao thông công cộng ở Hà Nội (bao gồm xe buýt) mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của nhân dân. Còn lại 90% là các phương tiện vận tải khác. Hà Nội có khoảng 1.400 xe buýt hoạt động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Hạn chế phương tiện cá nhân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN