Chuyện chưa kể về bộ sưu tập 79 chữ ký Bác Hồ

Sự kiện: Thời sự

Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III hiện đang lưu giữ một ấn phẩm đặc biệt là 79 chữ ký của Bác Hồ trong giai đoạn từ năm 1945-1969.

Chuyện chưa kể về bộ sưu tập 79 chữ ký Bác Hồ - 1

Ấn phẩm đặc biệt 79 chữ ký của Bác Hồ trong giai đoạn từ năm 1945-1969.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có 79 chữ ký? Con số này xuất phát từ đâu và có ý nghĩa như thế nào?

Trong những năm gần đây, nhiều người đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (phố Phan Kế Bính, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) đều ấn tượng khi được chiêm ngưỡng một ấn phẩm độc đáo với 79 chữ ký của Bác Hồ qua các thời kỳ.

Có nhiều băn khoăn được đặt ra xung quanh ấn phẩm đặc biệt này, rằng vì sao Hồ Chủ tịch lại có 79 chữ ký khác nhau? Con số này xuất phát từ đâu, có ý nghĩa như thế nào? Sản phẩm này được ban hành từ khi nào, nhằm mục đích gì?

Để trả lời cho những câu hỏi trên, PV Báo Giao thông đã trực tiếp tìm đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III để nghe lãnh đạo trung tâm kể về quá trình làm ra ấn phẩm đặc biệt này.

Trao đổi với PV về ý nghĩa của bộ sưu tập 79 chữ ký của Bác Hồ, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho hay, thực ra trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử khác nhau, Bác có rất nhiều chữ ký. Các chữ ký của Bác đều được lưu giữ trong các sắc lệnh, văn bản Bác ký ban hành và trong cả những bức thư tay do trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh viết.

"Hiện nay, chúng tôi đang cho đa dạng hóa các kích cỡ của ấn phẩm 79 chữ ký của Bác Hồ để tặng vào mỗi dịp, mỗi đối tượng, mục đích khác nhau. Có nhiều nơi hỏi mua nhưng chúng tôi không bán vì cho rằng, giá trị của ấn phẩm này là vô giá."

Bà Trần Việt HoaGiám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III

Theo lời kể của Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III - cũng là một trong những người tham gia làm ra ấn phẩm 79 chữ ký Bác Hồ, vào khoảng năm 2007, lãnh đạo Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước đưa ra sáng kiến muốn có một sản phẩm hoặc ấn phẩm nào đó lưu trữ mang dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sáng kiến về bộ sưu tập chữ ký Hồ Chí Minh bắt nguồn từ đó. Sau đó, lãnh đạo Cục Văn thư lưu trữ giao việc thực hiện cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, vì trung tâm đang bảo quản nhiều tài liệu có chữ ký của Bác Hồ.

“Ban đầu, cũng có ý kiến cho rằng, nên sưu tập 100 chữ ký của Bác, nhưng chúng tôi cho rằng, nếu là 100 chữ ký thì không mang ý nghĩa gì cả. Sau khi bàn bạc, ban lãnh đạo thống nhất sẽ lấy 79 chữ ký khác nhau của Bác từ thời kỳ năm 1945 cho đến khi Bác mất. 79 chữ ký ấy có ý nghĩa tương ứng với 79 mùa xuân trong cuộc đời của Người”, ông Nguyễn Minh Sơn lý giải.

Sau khi có chủ trương thu thập chữ ký, Ban lãnh đạo trung tâm giao cho Phòng Tin học lựa chọn từ các văn bản tài liệu đã số hóa để tìm các chữ ký của Bác Hồ đặc trưng trong các thời kỳ. Trong các tập sắc lệnh ở các giai đoạn khác nhau đều có nhiều chữ ký khác nhau, nhưng họ chọn ra những chữ ký có hình thức khác nhau khá nhiều và đưa vào một bộ sưu tập 79 chữ ký như kế hoạch.

“Đây là một công việc khá công phu, đòi hỏi sự bài bản. Để có thể chọn ra 79 chữ ký ấy, chúng tôi phải đọc tất cả các văn bản, cả những bức thư tay mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký để chọn ra những chữ ký đặc trưng nhất. Ban đầu, các cán bộ trình lên hàng trăm chữ ký, sau đó lãnh đạo trung tâm cùng các cán bộ của Cục Văn thư lưu trữ cùng ngồi xem xét và quyết định chọn ra 79 chữ ký đặc trưng nhất để đưa vào bộ sưu tập”, ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, việc trình bày 79 chữ ký này được giao cho phòng chuyên môn của trung tâm. Các chữ ký được sắp xếp hàng ngang, theo mốc thời gian từ năm 1945-1969. 79 chữ ký được lồng vào khổ giấy, trên nền giấy có in mờ hình quốc huy của nước Việt Nam. Dưới mỗi chữ ký đều ghi rõ thời điểm Bác Hồ ký. Các chữ ký được lấy từ các văn bản đã số hóa, sau đó quét lên máy tính và in ra nên đều giữ được màu mực nguyên bản như trong các văn bản Bác Hồ đã ký.

Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III nhấn mạnh, đây không phải là tài liệu lưu trữ, mà chỉ là ấn phẩm lưu trữ, có giá trị dùng để kỷ niệm, làm quà tặng của trung tâm và Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước.

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho biết, ngoài nhiệm vụ phải bảo quản tốt các tài liệu lưu trữ, trung tâm cũng có nhiệm vụ quan trọng là phải để cho mọi người biết đến những tài liệu có giá trị, ai có nhu cầu sẽ đến tìm hiểu. Đây là những tài liệu phản ánh cả một quá trình phát triển của đất nước.

Nhắc đến ấn phẩm 79 chữ ký của Bác Hồ, bà Hoa nhấn mạnh, đây là ấn phẩm từ một sáng kiến được đánh giá cao. Khi được đem làm quà tặng thì các cơ quan, đơn vị, cá nhân được nhận đều trân trọng và đánh giá cao ấn phẩm này. “Đó cũng là một cách mà trung tâm phát huy các giá trị của tài liệu. Như ấn phẩm 79 chữ ký của Bác Hồ, mỗi khi treo nó chắc chắn người ta sẽ nhớ đến lý tưởng, nhân cách lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó học tập theo”, bà Hoa nói và cho biết, hàng năm, trung tâm được duyệt kinh phí để làm nhiều việc, nhưng luôn dành một khoản phù hợp làm các ấn phẩm về 79 chữ ký của Bác Hồ, sau đó, sẽ xem xét trong năm có những sự kiện gì, có những khách mời nào để xét tặng ấn phẩm đặc biệt này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Thu (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN