Chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa bình bất ngờ bị “lật đổ”

Sự kiện: Hòa Bình

Ông Jagland từng bị chỉ trích dữ dội vì đã trao giải Nobel Hòa bình năm 2009 cho Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ngày 3/3, Ủy ban Nobel Hòa bình (Na Uy) đã có một động thái chưa từng có tiền lệ trong suốt 114 năm tồn tại của mình khi quyết định giáng chức chủ tịch Thorbjoern Jagland xuống làm ủy viên mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào.

Sau 6 năm giữ chức chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa bình, giờ đây ông Jagland sẽ bị cấp phó của mình là Kaci Kullmann Five thay thế. Sau khi nhậm chức, bà Kullman Five đã phát biểu trước báo giới: “Các thành viên trong ủy ban đã nhất trí rằng ông Jagland là một chủ tịch tốt trong 6 năm qua”.

Ông Jagland bất ngờ bị lật đổ sau khi một số quyết định trao giải Nobel Hòa bình của ủy ban này đã chịu nhiều sự chỉ trích và chế giễu của các chuyên gia quan sát cũng như các ứng cử viên.

Chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa bình bất ngờ bị “lật đổ” - 1
Ông Jagland (trái) trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009

Năm 2009, ông Jagland đã bị chỉ trích nặng nề khi trao giải thưởng Nobel Hòa bình danh giá cho tân Tổng thống Mỹ Barack Obama. Động thái trên đã khiến cả thế giới và chính bản thân ông Obama bất ngờ, khi ông vừa mới nhận chức được chưa đầy 9 tháng và Mỹ thì vẫn đang tham gia 2 cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Một năm sau, Ủy ban Nobel Hòa bình lại quyết định trao giải thưởng này cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Liu Xiaobo, khiến cho quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Na Uy trở nên băng giá, bất chấp việc chính phủ Na Uy ra sức thanh minh rằng quyết định của Ủy ban Nobel Hòa bình không liên quan đến họ.

Đến năm 2012, giải Nobel Hòa bình lại được trao cho Liên minh châu Âu (EU), mặc dù khối này đang chìm đắm trong suy thoái kinh tế, và một số quốc gia thành viên vẫn đang tham gia các hoạt động can thiệp quân sự ở Bắc Phi và Trung Đông.

Quyết định này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận. Tổng Giám mục Desmond Tutu đã phải viết một bức thư ngỏ gửi tới ủy ban rằng “Eu rõ ràng không phải là ‘nhà vô địch hòa bình’ mà ông Alfred Nobel nghĩ tới khi viết bản di chúc”.

Quyết định bất ngờ của Ủy ban Nobel Hòa bình hôm 3/3 cũng làm dấy lên những câu hỏi về tính độc lập chính trị của tổ chức có vai trò trao giải Nobel hòa bình từ năm 1901 đến nay.

Chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa bình bất ngờ bị “lật đổ” - 2
Bà Kaci Kullmann Five là tân chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa bình

Theo các nhà phân tích, nhân sự trong Ủy ban Nobel Hòa bình phản ánh tình trạng phức tạp chính trị trong Quốc hội Na Uy, nơi bầu ra các ủy viên của ủy ban này. Thông thường, Quốc hội Na Uy sẽ bầu 2 ủy viên từ đảng Lao động, 2 ủy viên từ đảng Bảo thủ, 1 từ đảng Tiến bộ, còn chủ tịch ủy ban sẽ do các ủy viên tự bầu ra.

Việc ông Jagland mất chức thể hiện sự thay đổi cán cân quyền lực, khi đa số ủy viên trong ủy ban này được bầu ra bởi các đảng cánh hữu Na Uy cầm quyền sau cuộc tổng tuyển cử vào năm 2013.

Nhà sử học Asle Sveen nhận định: “Đây có thể là một nỗ lực của chính phủ cánh hữu Na Uy nhằm kiểm soát nhiều hơn về chính trị đối với Ủy ban Nobel Hòa bình. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu ủy ban này có còn được coi là độc lập về quan điểm chính trị nữa hay không”.

Sau khi ông Jagland bị mất chức, các đảng viên cánh hữu ở Na Uy đã bày tỏ sự hoan hỉ của mình trên mạng xã hội. Ông Magnus Thue, cố vấn của chính phủ Na Uy viết trên Tweeter: “Thằng hề đã bị hất khỏi ghế chủ tịch”. Ông này sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi vì tuyên bố này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Hòa Bình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN