Chọn lãnh đạo cấp cao: Sao không thi tuyển!

“Ngoài lấy phiếu tín nhiệm, tôi nghĩ còn 2 cách nữa cũng hay trong việc đánh giá, sắp xếp nhân sự đó là thông qua sự giới thiệu của lãnh đạo cấp ủy Đảng các cấp hoặc tổ chức thi tuyển”, ĐBQH đề xuất.

Ngày 20/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 13 sẽ chính thức khai mạc tại trụ sở Nhà Quốc hội mới.

Trong 33 ngày làm việc, Quốc hội sẽ dành 2/3 thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, trong đó thông qua 18 dự luật, 3 dự thảo nghị quyết. Đây là kỳ họp có số dự án luật được thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước đến nay.

Quốc hội cũng sẽ tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 lãnh đạo – những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 8.

Trước thềm kỳ họp này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với các đại biểu quốc hội về những vấn đề họ quan tâm nhất.

Chọn lãnh đạo cấp cao: Sao không thi tuyển! - 1

Ngày 10/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh lãnh đạo cấp cao

Tổ chức thi tuyển trong phạm vi cho phép?

Bình luận về việc lấy phiếu tín nhiệm với 50 lãnh đạo, ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, đó là việc được cử tri cả nước ủng hộ bởi ngay từ lần đầu đã tạo được dư luận tốt, được cả xã hội đánh giá cao.

Lấy phiếu tín nhiệm cũng góp phần nâng cao chất lượng cán bộ - những người được lấy phiếu tín nhiệm, tạo động lực để họ cố gắng hơn, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước cử tri, trước đại biểu quốc hội.

“Tuy nhiên, ngoài cách lấy phiếu tín nhiệm, tôi nghĩ còn 2 cách nữa cũng hay trong việc đánh giá, sắp xếp nhân sự đó là thông qua sự giới thiệu của lãnh đạo cấp ủy Đảng các cấp hoặc tổ chức thi tuyển trong phạm vi cho phép”, ông Phương nói.

Riêng với việc thi tuyển, theo ông Phương, trước hết phải có quy hoạch, có các tiêu chuẩn cụ thể để đưa ra đánh giá. Chẳng hạn, cán bộ tham gia thi tuyển phải có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp với lĩnh vực thi tuyển, có kinh nghiệm…

Trong các luật dự kiến được thông qua, ông Phương chia sẻ cá nhân ông quan tâm nhất là luật tổ chức Quốc hội. Ngoài ra, ông cũng đặc biệt quan tâm tới luật công an và luật quân đội bởi theo ông cả hai luật trên hiện chưa có bất cập lớn, nhưng cần sửa đổi để nâng cao hiệu quả, vai trò của các lực lượng đó trong thời gian tới.

Cụ thể, công an phải làm tốt hơn nữa việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội nhất là khi ngày càng xuất hiện nhiều kiểu tệ nạn, tiêu cực đáng báo động.

Với quân đội, hiện nay đang có nhiều thay đổi, diễn biến phức tạp, đặc biệt ở Biển Đông nên luật cũng cần thay đổi để nâng cao hơn nữa khả năng chiến đấu của lực lượng này, chuẩn bị trước cho những tình huống xấu có thể xảy ra trong tương lai.

“Ngoài ra, thời gian qua dư luận xã hội cho rằng cấp hàm trong quân đội, công an quá nhiều, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay. Do vậy, tôi nghĩ tới đây luật cũng cần có sự thay đổi”, ông Phương nhấn mạnh.

Vẫn nóng tình hình Biển Đông

Nói về tình hình Biển Đông, ông Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình bày tỏ: “Nếu Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam, ta phải có ý kiến, ngăn chặn, đặc biệt phải tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè thế giới”.

Ông Lê Nam – Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa trăn trở hơn cả là tình hình Biển Đông.

Ông Nam bày tỏ: “Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa là vấn đề tôi rất quan tâm. Rõ ràng quyết tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không bao giờ thay đổi”.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Nam quan tâm tới luật tổ chức Quốc hội sửa đổi vì ông mong muốn tới đây sẽ có “quốc hội chuyên nghiệp” như bạn bè thế giới. Muốn vậy, phải có các đại biểu Quốc hội chuyên nghiệp tức là phải tăng số lượng đại biểu chuyên trách.

“Hiện số lượng đại biểu chuyên trách ít quá, mới chiếm 30% thì sao làm tốt được? Ít nhất phải có 50% đại biểu chuyên trách. Về lâu dài, với 500 đại biểu hiện có, ta giảm số đại biểu kiêm nhiệm, tăng số đại biểu chuyên trách lên thì vẫn thế, không phải lo tới vấn đề kinh phí hoạt động”, ông Nam chia sẻ.

Về luật bảo hiểm xã hội, theo ông Nam, quan trọng là phải thu đủ được, tiếp đến là phải quản lý tốt. Muốn vậy luật phải thêm thẩm quyền cho họ như quyền thanh tra, có sự hỗ trợ của các luật khác trong việc thực hiện luật bảo hiểm xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN