“Chọi trâu ở Đồ Sơn ngày càng bạo lực và phản văn hóa”

Sự kiện: Thời sự

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) không được gọi là lễ hội vì nó ngày càng bạo lực, phản văn hóa chứ không mang ý nghĩa của lễ hội truyền thống.

“Chọi trâu ở Đồ Sơn ngày càng bạo lực và phản văn hóa” - 1

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã tồn tại hàng trăm năm nay nhưng không còn giữ được nét truyền thống như xưa kia.

Mới đây, ông Đinh Xuân Hướng (Đồ Sơn, Hải Phòng) đã bị con trâu chọi do chính tay ông nuôi dưỡng, chăm bẵm húc chết trong Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017. Lễ hội ngay sau đó đã bị tạm dừng. Con trâu số 18 bị giết để lấy mẫu xét nghiệm tìm có chất kích thích, tăng lực hay không.

Đánh giá về lễ hội này, Giáo sư Trần Lâm Biền thẳng thắn: “Tôi không gọi chọi trâu ở Đồ Sơn hiện nay là lễ hội mà chỉ gọi là chọi trâu. Chọi trâu Đồ Sơn ngày nay mang yếu tố thế tục, bạo lực và phản văn hóa. Khác lễ hội chọi trâu Đồ Sơn truyền thống  trâu mang yếu tố tâm linh, văn hóa rất cao.

Theo giáo sư Biền, chọi trâu Đồ Sơn ngày nay chỉ núp bóng tâm linh, không có yếu tố lễ hội. Nó tác động đến con người ở sự tò mò, hiếu kì khi chứng kiến các con trâu lao vào nhau mà không cần biết đến ý nghĩa đằng sau của việc chọi trâu.

Giáo sư Biền cho biết, chọi trâu ngày xưa được thực hiện ở một bãi đất đủ rộng nhưng không to như sân vận động bây giờ. Trâu chọi truyền thống có 2 sừng cân phân tựa mặt trăng, ứng với thủy triều chứ không dài và gọt nhọn như sừng trâu hiện nay.

“Cách húc của trâu chọi ngày xưa là biểu hiện cho sự vận động của thủy triều. Đối với người dân miền biển, lễ hội chọi trâu để cầu thần linh cho những con thuyền ra khơi vượt được sóng giữ.

Những con trâu giành giải nhất trong lễ hội truyền thống được đưa xuống bè và đưa ra thật xa để tế thần biển. Còn trâu chọi bây giờ thắng, thua đều đem xẻ thịt hết và bán với giá rất cao. Sự việc trâu chọi húc chết chủ vừa rồi là đỉnh điểm của sự tiêu cực để chúng ta xem lại cách ứng xử đối với lễ hội chọi trâu”, giáo sư Biền chia sẻ.

“Chọi trâu ở Đồ Sơn ngày càng bạo lực và phản văn hóa” - 2

Giáo sư Trần Lâm Biền

Giáo sư Biền cho biết thêm, để lấy lại hình ảnh lễ hội truyền thống khi xưa cần hủy bỏ việc chọi trâu quy mô lớn, bạo lực, chỉ nên duy trì những lễ hội truyền thống trong cấp làng xã. Khi tổ chức lễ hội cần hướng tới yếu tố tâm linh, lấy vẻ đẹp văn hóa truyền thống làm trọng, không bán vé thu tiền.

PGS.TS Nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái, nguyên chủ nhiệm bộ môn Văn hóa Truyền thông (Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) cũng cho hay, con trâu là con vật gần gũi và gắn bó thân thiết với người nông dân. Hình ảnh trâu húc nhau máu đổ hoặc dẫn đến cái chết là dã man.

Đánh giá về việc trâu chọi húc chết chủ ở Đồ Sơn, bà Thái nói: “Con trâu húc chết chủ đã không được thuần hóa tử tế. Nó là giọt nước cuối cùng làm tràn ly khiến người ta phải lên án những lễ hội man rợ.

Trong xã hội hiện đại, lễ hội truyền thống không phát huy được tính tích cực và văn hóa lành mạnh thì nên bỏ”.

Vụ trâu chọi húc chết chủ: Đã có kết quả kiểm tra chất kích thích

Sau khi trâu số 18 húc chết chủ, Hải Phòng đã yêu cầu kiểm tra chất kích thích đối với trâu này, đồng thời tạm dừng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN