“Chơi Pokémon GO nhiều sẽ bị bệnh tâm thần”

“Nếu giới trẻ cứ say sưa với Pokémon GO chẳng mấy chốc phải nhờ can thiệp của y tế và buộc phải vào viện tâm thần điều trị”, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cảnh báo.

“Chơi Pokémon GO nhiều sẽ bị bệnh tâm thần” - 1

Một tay lái xe máy, một tay cầm điện thoai và mắt dán vào màn hình smartphone.

Chơi nhiều sẽ trầm cảm

Trong mấy ngày gần đây, không khó để bắt gặp cảnh các chàng trai, cô gái vật vờ săn cho bằng được Pokémon. Trò chơi này đã len lỏi mọi ngóc ngách, mọi đường phố hay thậm chí tại bệnh viện cũng thấy một vài nhân viên săn Pokémon.

Một bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện lớn ở Hà Nội chia sẻ câu chuyện nhân viên của mình đuổi bắt Pokemon sau khi nhận thấy trò chơi này đã tạo nên cơn sốt, làm bùng nổ cộng đồng yêu thích game, ảnh hưởng nhiều đến công việc cũng như trong cuộc sống.

Anh kể: “Chiều qua có 2 cô học viên cứ đứng lấp ló cửa phòng mình. Sáng nay hỏi có việc gì 2 bé mới bảo: Hôm qua trong phòng chú có 2 con Pokémon khỏe lắm mà bọn cháu không dám vào bắt”.

Trước thực trạng giới trẻ Việt đang phát cuồng vì Pokémon GO, thanh niên say sưa đi “săn lùng” Pokemon, thậm chí nửa đêm vẫn có rất nhiều người lao ra đường để tìm Pokémon, bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cảnh báo: “Nghiện Pokemon là một bệnh lý tâm thần”.

Theo bác sỹ La Đức Cương, nhiều người nghiện game rồi trầm cảm, có hành vi tự sát. Ông kể: Cách đây không lâu, có một sinh viên năm thứ 2 Đại học tự sát do nghiện game. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, các bác sĩ phát hiện sinh viên này bị trầm cảm do nghiện game nặng.

“Chơi Pokémon GO nhiều sẽ bị bệnh tâm thần” - 2

Bác sĩ La Đức Cương cảnh báo, nghiện chơi game sẽ khó phục hồi nhân cách

Theo thông tin từ bác sĩ La Đức Cương, hiện nay, Bệnh viện Tâm thần Trung ương có rất nhiều người tới viện khám và điều trị tâm thần do nghiện game, nghiện internet… Đặc biệt, người nào càng chơi game giỏi thì nguy cơ trầm cảm càng cao. Bởi họ có tâm trạng chán ngán, không còn gì để chinh phục, không có động lực phấn đấu, không tìm được niềm vui trong cuộc sống.

“Nếu giới trẻ cứ say sưa với Pokémon GO chẳng mấy chốc phải nhờ can thiệp của y tế và vào viện tâm thần điều trị”, bác sĩ Cương nói.

Khó phục hồi nhân cách

Bác sĩ Cương phân tích, việc “cắm mặt” đầu vào điện thoại, máy tính, vào những giao tiếp ảo làm cho thế giới của nhiều người trẻ thu hẹp lại. Thời gian dành cho thế giới ảo qua màn hình vi tính ngày càng nhiều còn thời gian, giao tiếp cho thế giới thật bị cắt xén đi. Đặc biệt, khi thế giới thật không được như ý, thì giới trẻ càng xa lánh nó để đắm chìm vào thế giới ảo".

Những người nghiện game, internet thường thiếu khả năng kiểm soát về hành vi. Từ đây có thể dẫn đến nhiều hành vi khác, trong đó có cả việc tự tử, giết người. Người chơi game quá độ và lâu dài cũng có thể bị chính những trò chơi đó ám ảnh không phân biệt được đâu là thật, đâu là game, đưa game ra cuộc sống thật, coi mọi hành động ở cuộc sống thật như trong game.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương, với những người nghiện game nói chung và nghiện trò chơi Pokémon GO khi vì một lý do gì đó mà không được chơi sẽ dễ rơi vào tình trạng bồn chồn, bứt rứt.

Trong trường hợp đó người bệnh thường tìm mọi cách để chơi thì mới cảm thấy yên tâm. Thậm chí có những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, các bệnh về thần kinh như suy nhược và cả động kinh.

Khi bệnh ở mức độ nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh (bệnh nhân tự sát) hoặc những người xung quanh (gây hại người khác trước khi tự sát).

Do đó, bác sĩ Cương khuyến cáo, mọi người phải nhận thức được tác hại của game; Phụ huynh phải khuyên giải con trẻ. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ giúp bệnh nhân cắt cơn nghiện, còn việc phục hồi về nhân cách mất rất nhiều thời gian.

Theo Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, xu hướng gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi game ở Việt Nam rất đáng báo động vì hiện nay, giới trẻ em có điều kiện tiếp xúc với đồ công nghệ. Nếu hôm nay chơi game một phút, chơi tăng lên mỗi ngày thì một năm sau có thể chơi game sáu tiếng một ngày.

Trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu như lầm lỳ, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai thì nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm thần để điều trị sớm, cắt nghiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Cơn sốt bắt Pokémon Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN